Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 13/2019/TT-BYT và Thông tư 14/2019/TT-BYT thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các bệnh viện, bao gồm giá khám, chữa bệnh có BHYT và ngoài phạm vi BHYT.
Từ 20-8, Bệnh viện Da liễu Trung ương chính thức áp dụng giá dịch vụ y tế mới - Ảnh: Thanh Hương
Theo cả hai thông tư này, từ ngày 20-8-2019, giá dịch vụ y tế của hơn 1.900 dịch vụ y tế sẽ tăng với mức tăng tại tất cả các tuyến bệnh viện từ 2-10% như giá khám bệnh, giường bệnh, xét nghiệm... Việc điều chỉnh giá viện phí này theo mức tăng lương cơ sở mới là 1.490.000 đồng (từ ngày 1-7-2019). Cụ thể:
- Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I: 38.700 đồng (tăng 1.700 đồng)
- Bệnh viện hạng II: 34.500 đồng (tăng 1.500 đồng)
- Bệnh viện hạng III: 30.500 đồng ( tăng 1.500 đồng)
- Bệnh viện hạng IV, trạm y tế xã: 27.500 đồng (tăng 1.500 đồng)
Đồng thời, một số dịch vụ khác ngoài phạm vi chi trả của BHYT cũng được điều chỉnh tăng, như:
- Giá dịch vụ khám cấp giấy chứng thương, giám định y khoa; khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe; khám sức khỏe định kỳ (không kể xét nghiệm, X-quang) là 160.000 đồng (tăng 15.000 đồng).
- Giá khám sức khỏe toàn diện cho người đi xuất khẩu lao động là: 450.000 đồng (tăng 30.000 đồng).
Ngoài ra, hai Thông tư còn quy định tăng giá dịch vụ ngày giường bệnh và giá một số dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm khác… Theo đó, tại bệnh viện hạng đặc biệt, giá giường bệnh là 782.000 đồng/ngày (tăng 29.000 đồng); Đối với bệnh viện hạng I, mức giá dịch vụ ngày giường bệnh tối đa là 705.000 đồng/ngày, bệnh viện hạng II là 602.000 đồng/ngày…
Hai thông tư 13 và 14 được Bộ Y tế ban hành ngày 5-7-2019 chính thức có hiệu lực từ ngày hôm nay 20-8. Người bệnh vào viện điều trị từ trước ngày 20-8 vẫn tiếp tục áp dụng mức giá dịch vụ cũ, giá mới áp dụng với người bệnh vào viện từ ngày 20-8.
Người dân sẽ chi trả viện phí theo mức giá mới được áp dụng từ 20-8
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết việc điều chỉnh giá lần này vẫn chưa kết cấu chi phí quản lý theo lộ trình giá dịch vụ công quy định tại Nghị định 16/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá cũng góp phần tăng nguồn thu cho các cơ sở y tế.
"Việc ban hành các Thông tư quy định giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng, các đối tượng là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội thuộc diện được Ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi KCB được BHYT thanh toán 100% là không bị ảnh hưởng. Đối với người cận nghèo tỉ lệ đồng chi trả là 5% (tỉ lệ điều chỉnh giá tăng bình quân 4,4% đối với ngày giường, 1,1% đối với các dịch vụ khác) nên mức độ tác động không đáng kể (tăng thêm 5% của 4,4% đối với ngày giường là 0,22%, tăng thêm 5% của 1,1% đối với các dịch vụ khác là 0,05%)"- ông Liên giải thích.
Cũng theo Bộ Y tế, các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí KCB BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều (tăng thêm 20% của 4,4% đối với ngày giường là 0,88%, tăng thêm 5% của 1,1% đối với các dịch vụ khác là 0,2%). Cùng đó, đối tượng người cận nghèo đồng chi trả 5%, 5% tăng lên không nhiều. So với mức giá theo lương bậc 1.490.000 đồng chênh lệch 1.500 đồng/1 lượt khám bệnh, 5% của 1.500 đồng cũng chỉ tăng 75 đồng. "Giả sử đối tượng đồng chi trả cao nhất là 20% thì cũng chỉ trả thêm 300 đồng, rất ít. Một số giường chỉ tăng khoảng 10.000 đồng/giường, một số giường tăng cao nhất là 20.000-25.000 đồng, phụ thuộc vào kết cấu, công sức của cán bộ y tế phục vụ giường này"- ông Liên nêu rõ.
Bộ Y tế cho biết đối với Thông tư 14/2019/TT-BYT, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I thuộc các Bộ, cơ quan trung ương. Bộ Y tế sẽ quyết định mức giá dịch vụ y tế để các đơn vị thực hiện. Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc địa phương quản lý: Sở Y tế, Sở Tài chính báo cáo UBND cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức giá và thời điểm thực hiện.
Bộ Y tế nói gì về giá giường bệnh dịch vụ 4 triệu đồng/ngày
Nói về yêu cầu Bộ Y tế "nghiên cứu kỹ" giá giường dịch vụ 4 triệu đồng/ngày của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Nam Liên cho biết đây không phải là Thông tư ban hành, quy định mức giá mà chỉ hướng dẫn xây dựng giá. Các đơn vị phải tự xây dựng, ban hành nhiều mức giá theo khả năng cung cấp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.
Với mức giá tới 4 triệu đồng với loại một giường/phòng, ông Liên giải thích: "Giường điều trị có hàng chục loại nên không phải cứ một giường/phòng là được thu 4 triệu đồng mà các bệnh viện phải xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường như: Hồi sức tích cực, giường sau các phẫu thuật loại đặc biệt, loại I, giường điều trị nội khoa…. Chi phí các vật tư chăm sóc người bệnh cũng phải tính theo từng loại giường".
Bình luận (0)