Dị tật bộ phận sinh dục khá thường gặp ở trẻ em nhưng nhiều trường hợp lại không được can thiệp sớm do quan điểm "trẻ lớn sẽ tự hoàn thiện".
Nhầm giới tính con vì "chỗ ấy" bất thường
Trải qua cuộc phẫu thuật dị tật cơ quan sinh dục được gần 2 tuần, bé trai N.T.D (2 tuổi, ở Hà Nội) đã có thể đứng tiểu như những cậu bé bình thường khác. Mẹ bệnh nhi cho biết từ khi sinh ra, bé đã được đặt tên con gái vì trắng trẻo, xinh xắn. Các phát triển thể chất sau đó cũng bình thường nhưng càng lớn, bé càng thể hiện những điều bất thường về tâm lý, giới tính. Đặc biệt, vùng kín của bé rất khác thường, không giống hoàn toàn bé gái nên gia đình đã đưa đến bệnh viện khám.
PGS-TS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng Khoa Phẫu thuật nhi và trẻ sơ sinh Bệnh viện Việt Đức, cho biết khi thăm khám, bác sĩ phát hiện bé bị lỗ tiểu lệch thấp, thể tầng sinh môn bìu chẻ đôi khiến dương vật bị vùi giữa hai bên bìu nên trông giống âm vật. Trẻ cũng có hai tinh hoàn chưa xuống bìu, nằm trong ống bẹn. Khi được làm thêm các xét nghiệm xác định giới tính gồm xét nghiệm gien nhiễm sắc thể, gien biệt hóa tinh hoàn và các xét nghiệm về nội tiết đều khẳng định bé có giới tính nam.
PGS-TS Nguyễn Việt Hoa khám cho trẻ bị dị tật sinh dục
Bệnh nhi đã được phẫu thuật hạ tinh hoàn hai bên xuống bìu và gần đây nhất là cuộc phẫu thuật tạo hình niệu đạo đưa lỗ tiểu thấp từ vị trí tầng sinh môn lên đỉnh quy đầu. "Sau 10 ngày, cháu được rút ống thông tiểu và có thể đứng tiểu như các trẻ trai bình thường khác. Gia đình bệnh nhi đã chuẩn bị các thủ tục để đổi tên, giới tính trên giấy khai sinh cho con" - PGS-TS Hoa nói.
Trước đó, một bệnh nhi khác là bé trai H.G.V (3 tuổi, ở Hải Dương) được bố mẹ đưa tới bệnh viện khám do kiểm tra không thấy bé có tinh hoàn bên trái. Kết quả siêu âm cho thấy hình ảnh tinh hoàn trái nằm lạc trong bẹn và chỉ định phẫu thuật hạ tinh hoàn xuống bìu.
PGS-TS Hoa cho biết bé V. là một trong số nhiều trẻ được phát hiện dị tật bẩm sinh và xử lý kịp thời. Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám, các bác sĩ gặp không ít trường hợp trẻ đến can thiệp rất muộn dù trước đó gia đình đã phát hiện bởi quan niệm "trẻ lớn lên sẽ tự hoàn thiện".
Theo PGS-TS Hoa, không hiếm trường hợp đến khám trên giấy tờ là con gái nhưng khi gia đình thấy đến tuổi dậy thì, con mình không có ngực, không có kinh nguyệt… "Điển hình là một bệnh nhân nam, dị tật bẩm sinh lỗ tiểu lệch thấp ở tầng sinh môn và ẩn tinh hoàn hai bên. Khi chào đời, do "chú chim" rất nhỏ, dương vật cong gập hẳn xuống, lại không thấy tinh hoàn (vì tinh hoàn ẩn) nên gia đình mặc nhiên coi là con gái. Mười mấy năm người này phát triển trong tâm lý con gái, để tóc dài" - PGS-TS Hoa kể.
Đừng để con trai lớn lên vẫn "tiểu ngồi"
Theo PGS-TS Hoa, nghiên cứu cho thấy dị tật sinh dục bẩm sinh đứng hàng đầu trong các dị tật bẩm sinh ở trẻ em. Tại Khoa Phẫu thuật nhi và trẻ sơ sinh Bệnh viện Việt Đức, khoảng 2/3 số trường hợp phẫu thuật là các dị tật sinh dục bẩm sinh… Nguyên nhân gây ra dị tật sinh dục bẩm sinh của trẻ vẫn chưa được xác định, song có một số yếu tố liên quan như: người mẹ bị cúm trong quá trình mang thai, hôn nhân cận huyết… Với bé trai, dị tật bộ phận sinh dục thường là lỗ tiểu lệch thấp, lệch cao, tinh hoàn ẩn, ống phúc tinh mạc bẩm sinh (thoát vị bẹn, nang thừng tinh, tràn dịch màng tinh hoàn), lún dương vật. Với trẻ gái thường gặp là thoát vị môi lớn, u buồng trứng, dính âm hộ, xoang niệu dục chung…
Bác sĩ Lê Anh Dũng, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết dị tật lỗ tiểu thấp là một bất thường về mặt giải phẫu của bộ phận sinh dục ở bé trai, gồm dương vật cong và lỗ tiểu nằm ở vị trí thấp hơn vị trí bình thường. Tỉ lệ mắc bệnh lý này là 1/300 trẻ nam mà nguyên nhân chủ yếu do bất thường trong quá trình hình thành bào thai.
Theo bác sĩ Dũng, lỗ tiểu thấp có thể dễ dàng quan sát được ngay sau khi sinh. Triệu chứng điển hình là lỗ tiểu của trẻ không nằm ở đỉnh dương vật mà nằm dọc theo mặt dưới của thân dương vật, vì thế tia nước tiểu không thẳng về phía trước mà bị lệch xuống dưới hoặc ra sau. Nếu lỗ tiểu quá gần gốc dương vật, trẻ không đứng tiểu tiện được mà phải ngồi tiểu. Ngoài ra, có một số trường hợp hẹp lỗ tiểu, tia nước tiểu nhỏ, thời gian tiểu tiện của trẻ sẽ kéo dài. Khi trẻ bị cong dương vật mà không can thiệp, tới lúc trưởng thành, việc sinh hoạt tình dục sẽ gặp khó khăn.
Các chuyên gia khuyến cáo việc "sửa chữa" các dị tật về giới tính cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Bởi khi trẻ nhận thức được chúng có thể bị mặc cảm, tự ti vì điểm khác biệt của mình, trẻ dễ bị bạn bè trêu chọc, ngại giao tiếp, ngại đi vệ sinh… Nếu để đến tuổi trưởng thành mới sửa chữa hay xác định lại giới tính sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, công việc và khả năng sinh sản.
Cần can thiệp dị tật sinh dục trước 2 tuổi
PGS-TS Nguyễn Việt Hoa cho biết dị tật sinh dục bẩm sinh thường không phải là bệnh cấp tính nên nhiều trường hợp bị phát hiện muộn. Thậm chí không ít gia đình còn cho rằng đợi đến khi trẻ lớn mới chữa bệnh. Trong khi đó, với bệnh lý tinh hoàn ẩn, bác sĩ khuyên cần được phát hiện ngay sau sinh để có kế hoạch theo dõi và điều trị sớm cho trẻ.
"Trẻ cần được can thiệp trước 2 tuổi để khả năng sinh sản sau này không bị ảnh hưởng. Việc để càng lâu thì nguy cơ mất cả chức năng sinh sản, sinh dục và có khả năng bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn do nằm lạc vị trí quá lâu. Ngoài ra, các biến chứng khác có thể gặp do tinh hoàn ẩn như xoắn vặn tinh hoàn, chấn thương vỡ tinh hoàn ẩn..." - PGS-TS Hoa lưu ý.
Bình luận (0)