Sau hơn 1 tháng hoạt động, đường dây nóng của Bộ Y tế liên tục nhận được các cuộc gọi phản ánh những vấn đề chuyên môn, thái độ phục vụ, tình trạng nhận hối lộ, làm sai quy định của nhân viên y tế…
Bị tố câu kết với “cò”
Một bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện (BV) K bức xúc gọi đến đường dây nóng đề nghị Bộ Y tế can thiệp, không để tình trạng nhân viên y tế móc nối với “cò”. Theo phản ánh, trong lúc mẹ con bệnh nhân T.P.K đang chờ khám tại BV K, một người tự xưng là nhân viên bán sổ khám bệnh đề nghị người nhà bệnh nhân K. đưa 50.000 đồng để được khám ngay, không phải chờ đợi. Sau khi nhận tiền, người phụ nữ này tiếp tục đòi bệnh nhân K. ứng trước tiền khám bệnh rồi đưa vào phòng khám gặp bác sĩ. Lúc khám xong, bệnh nhân mới phát hiện khoản tiền khám quá cao so với quy định thì đã muộn.
Tại một cơ sở khác của BV K ở xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, nhiều người phản ánh nhân viên ở đây hách dịch, hay quát nạt bệnh nhân và có hiện tượng đòi phong bì ở Khoa Xạ trị. Trước hàng loạt cuộc gọi liên quan đến BV này, BV K đã tiến hành điều tra bằng bảng hỏi đến bệnh nhân. Kết quả, 6/72 phiếu (8%) cho biết khi tiêm và làm thủ thuật, điều dưỡng gợi ý gia đình đưa tiền; 5/72 phiếu (7%) trả lời có tình trạng trưởng, phó khoa, điều dưỡng gợi ý biếu tiền.
Xử lý nhanh bức xúc của dân
Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, sau hơn 1 tháng hoạt động (từ ngày 7-11), đường dây nóng đã nhận được gần 1.500 cuộc gọi của người dân, trong đó 500 cuộc gọi đúng nội dung phản ánh các vấn đề y tế. 182 ý kiến bức xúc phản ánh về chuyên môn, thái độ, trách nhiệm của nhân viên y tế. Cùng đó, tình trạng nhận hối lộ, gian lận viện phí, sự phiền hà khi khám bảo hiểm y tế, làm sai quy định của cơ sở y tế cũng được phản ánh trong hơn 200 cuộc gọi tới đường dây nóng.
Theo ông Trường, đối với các cuộc gọi khẩn cấp, bộ sẽ trực tiếp điện thoại ngay cho các BV để yêu cầu can thiệp. Còn các trường hợp phản ánh thông tin liên quan đến thái độ giao tiếp, đòi hối lộ, khám chữa bệnh sai…, bộ sẽ gửi văn bản yêu cầu các sở y tế kiểm tra, làm rõ, xử lý và báo cáo về bộ.
“Đơn cử như trường hợp cháu Nguyễn Tấn Phát (5 tháng tuổi) được bố mẹ đưa đến tiêm phòng tại Trạm Y tế xã Lộc An, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An nhưng bị từ chối vì không có hộ khẩu thường trú tại đây. Sau khi gia đình cháu gọi điện thoại đến đường dây nóng, Sở Y tế tỉnh Long An đã chỉ đạo trạm y tế tiêm phòng cho cháu. Quá trình giải quyết mất chưa đầy 2 giờ” - ông Trường nói.
Cũng theo Bộ Y tế, những thông tin người dân phản ánh tới đường dây nóng đã giúp ngành xử lý được nhiều sai phạm. Trước đó, ngày 24-11, đường dây nóng tiếp nhận cuộc gọi phản ánh Phòng khám Đa khoa Năm Châu (707 đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) có bác sĩ người Trung Quốc hành nghề khám chữa bệnh, không biết tiếng Việt, khám bệnh bằng phiên dịch, kê một đơn thuốc 9 triệu đồng chữa dạ dày, không ký tên vào đơn thuốc, thuốc không có nhãn mác và toàn tiếng Trung Quốc. Sau khi nhận được thông tin, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế TP Hà Nội kiểm tra, xác minh và xử lý. Kết quả kiểm tra Phòng khám Năm Châu cho thấy hầu hết thông tin mà người dân phản ánh là đúng sự thật. Đoàn thanh tra đã đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh của 2 bác sĩ dỏm người Trung Quốc, đồng thời thu hồi giấy chứng nhận hoạt động của phòng khám Năm Châu.
Miễn phí cuộc gọi từ năm 2014 Sáng 10-12, Bộ Y tế đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Viễn thông Viettel về việc triển khai đường dây nóng để tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh từ người dân đối với chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Theo ông Nguyễn Xuân Trường, hiện các thông tin phản ánh đến đường dây nóng thông qua số điện thoại 0973.306306 người dân vẫn phải trả phí như cuộc gọi bình thường. Tuy nhiên, đến quý I/2014, các cuộc gọi đến đường dây nóng sẽ được miễn phí. |
Bình luận (0)