xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Sụm" luôn vì thử thách thể lực

ANH THƯ

Tìm kiếm các chuỗi bài tập nhằm tăng cường thể lực, làm đẹp vóc dáng trên mạng hoặc các app store không phải lúc nào cũng là ý hay

Đi tái khám chân phải bị bong gân, chị Tr.M.T (29 tuổi) cho biết đó là hậu quả của thử thách "30 ngày squats" mà chị vừa thử. Đó là một app (ứng dụng) chị tải về trên mạng, yêu cầu người dùng mỗi ngày tập một số lần squat (động tác đứng lên ngồi xuống để tập cơ mông - đùi). "Tôi tập theo hướng dẫn mỗi tối: ngày thứ nhất 30 cái, ngày thứ 2 tập 40 cái, mỗi lần tập chỉ vài phút. Ai dè sau 2 ngày chân nhấc lên không nổi, vừa bước xuống mấy bậc tam cấp thì chân sụm, ngã bong gân" - chị T. kể.

Không thể đốt giai đoạn

Cha con ông Tr.V.P (50 tuổi; ngụ quận 4, TP HCM) cũng tải 1 app hướng dẫn bài tập để "6 múi" trong vòng 2 tháng. Ông P. cho biết: "Hôm rồi, hai cha con tôi hí hửng ra công viên sớm để tập. Bài tập bao gồm nhiều động tác luyện cơ bụng, mỗi động tác chỉ yêu cầu 10-20 cái nên thực hiện rất dễ dàng. Vậy mà sáng hôm sau thức dậy bụng cả 2 cha con đều đau không chịu nổi, đến mức phải đi bác sĩ (BS). Lúc đi khám con tôi bị BS "mắng" không được chủ quan, vì có mấy động tác tuy thực hiện không khó, nhưng lại tạo áp lực lớn lên cột sống nguy cơ gây tổn thương cột sống là rất cao".

Sụm luôn vì thử thách thể lực - Ảnh 1.

Tập luyện thể dục thể thao cần phù hợp sức khỏe bản thân. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Còn chị P.N (quận Phú Nhuận, TP HCM) chia sẻ: "Công việc của tôi khá bận rộn, nhiều hôm đến khuya mới về đến nhà. Gần đây qua Facebook, tôi có quen nhóm bạn chạy bộ "5 giờ sáng - 5 giờ tối", thấy cũng vui và cũng có lợi cho sức khỏe, nên tôi đang cố gắng thực hiện. Khổ nỗi có khi do đi làm về muộn, sáng dậy người vẫn còn mệt vì thiếu ngủ, chân còn mỏi nhưng cũng ráng chạy. Có bữa về tới nhà 9-10 giờ tối cũng ráng chạy 15 phút. Nghe mấy bạn trong nhóm chạy bộ nói họ chạy một thời gian thấy người khỏe hơn, nên tôi ráng hy vọng rồi sẽ quen".

Theo BS chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, điều quan trọng khi lên lịch tập luyện là phải chọn dạng bài tập và mức độ tập phù hợp với thể trạng, đồng thời phải hiểu về động tác đó. Ví dụ động tác hít đất đơn giản, nam giới nhiều người không tập thường xuyên vẫn hít được ngay 20-30 cái. Nhưng làm vậy thì sau đó chắc chắn sẽ bị đau nhức cơ thể. Với động tác nặng này, ngày đầu tiên chỉ nên làm tối đa 5 cái, những hôm sau tăng từ từ cho cơ thể kịp thích nghi, không thể đốt giai đoạn được.

"Đừng bao giờ nghĩ rằng mình đủ sức khỏe có thể thực hiện những động tác, bài tập thể dục ngay lần đầu tiên. Tất cả các môn thể dục, thể thao, các động tác tập luyện nặng đều cần khởi động trước. Người có lối sống thụ động, hay người từng chơi thể thao nhưng đã nghỉ một thời gian, khi tập trở lại cần phải bắt đầu bằng mức tập thật thấp" - BS Ánh lưu ý.

Nguy cơ thoái hóa sớm

Theo BS Đỗ Trọng Ánh, nếu mới bắt đầu tập, mà chủ quan tập quá sức thì những ngày sau đó nếu may mắn không chấn thương thì cũng sẽ bị căng cơ, ê ẩm khắp người. Khi cơ thể đang "rêm" mà vẫn ráng làm tiếp với cường độ cao, nghĩ rằng từ từ cơ thể sẽ quen và tình trạng ê ẩm sẽ hết là không đúng. Một thời gian sau dù hết đau thật nhưng những chấn thương sẽ bị "cộng dồn" theo thời gian và trở thành nguyên nhân gây thoái hóa sớm ở hệ cơ - xương - khớp.

BS chuyên khoa II Trần Minh Khuyên, chuyên khoa tâm thần kinh, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1, cảnh báo một nguy cơ khác khi cố luyện tập mà không cân nhắc đến sức khỏe và công việc của mình là tác hại về mặt tinh thần.

"Đúng là tập thể thao giúp giảm stress, vì giúp cơ thể sinh ra những hormone có lợi. Nhưng tập quá mức, cơ thể cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, biến bài tập thành một áp lực lớn thì có khi tác dụng ngược" - BS Khuyên cảnh báo.

Theo BS Trần Minh Khuyên, những người đi làm về quá trễ mà còn ráng tập buổi tối sẽ đối diện với nguy cơ mất ngủ. Nghĩ rằng tập mệt dễ ngủ là sai. Tập luyện giúp cơ thể tỉnh táo trong vài tiếng đồng hồ sẽ dẫn đến mất ngủ, khó ngủ nếu tập quá trễ. Mất ngủ - rối loạn giấc ngủ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tâm thần.

"Vì vậy, hãy tập thể thao sao cho bạn cảm thấy thoải mái, sảng khoái về tinh thần trong lúc tập và sau khi tập. Nếu cảm thấy tập mà căng thẳng thêm thì phải xem lại mức độ tập, giờ giấc và cách tập. Hãy cân đối lịch tập với công việc của mình, phù hợp với sức khỏe của bản thân, bảo đảm thời gian ngủ nghỉ, đừng cố tập rập khuôn theo người khác" - BS Khuyên tư vấn.

BS Đỗ Trọng Ánh khuyên: Cơ thể mỗi người mỗi khác, hãy lấy chính sức khỏe của mình làm mốc giới hạn, nếu tập thấy khỏe hơn, hãy cố gắng duy trì, biến đó thành thói quen; nếu tập mà bị chấn thương, thấy mệt hơn thì hãy đến BS ngay.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo