Một nghiên cứu gần đây của Khoa Nội thận Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị y khoa quốc tế của Trường Đại học Kobe (Nhật Bản), với trên 8.505 người trưởng thành tại khu vực Thường Tín (Hà Tây - Hà Nội), cho thấy tỉ lệ suy thận mãn giai đoạn 3 đến 5 (giai đoạn cuối) là 3,1%.
1,6 triệu bệnh nhân cần lọc thận
Theo PGS-TS-BS Đinh Thị Kim Dung, Trưởng Khoa Nội thận Bệnh viện Bạch Mai, nếu ước tính theo dân số Việt Nam với tỉ lệ nói trên thì có khoảng 7 triệu người lớn bị suy thận mãn. Thực tế, con số có thể cao hơn và điều chắc chắn là đang ngày càng gia tăng.
Một ca phẫu thuật điều trị bệnh thận. Ảnh: NGỌC DUNG
Từ năm 1990 đến 2010, tỉ lệ bệnh nhân suy thận mãn cần chạy thận nhân tạo trên thế giới tăng trung bình 7%/năm (từ 426.000 bệnh nhân chạy thận nhân tạo năm 1990 tăng đến hơn 2 triệu người vào năm 2010). Ước tính, số bệnh nhân cần điều trị lọc thận (thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc) trên thế giới là 1,6 triệu người và riêng tại châu Âu, cứ 10 người lớn thì có 1 người bị bệnh thận mãn tính.
Trong đó, nguyên nhân chính khiến tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh thận mãn ngày càng tăng cao là do dân số thế giới ngày càng già đi và dịch bệnh đái tháo đường type 2 đặc biệt tăng nhanh ở các quốc gia đang phát triển.
PGS-TS-BS Trần Ngọc Sinh, Hội Niệu - Thận học TPHCM, cho biết một trong những vấn đề được các thầy thuốc điều trị rất lưu tâm hiện nay ở bệnh nhân suy thận mãn chính là tình trạng thiếu máu - một biểu hiện tất yếu do suy thận gây ra.
Thiếu máu có thể biểu hiện từ giai đoạn rất sớm nhưng bắt đầu rõ rệt thường là khi suy thận ở giai đoạn 3 trở đi. Chính thiếu máu làm gia tăng tốc độ tiến triển suy thận sang giai đoạn nặng hơn và bệnh trở thành một vòng luẩn quẩn giữa suy thận và thiếu máu do thận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của bệnh nhân. Đặc biệt, hậu quả của thiếu máu thúc đẩy bệnh thận tiến đến suy thận giai đoạn cuối cần phải lọc thận nên sẽ tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội do chi phí lọc thận rất cao.
Kích thích tạo máu
Thách thức này đã được mổ xẻ trong hội thảo khoa học về hiện trạng, thách thức và tiến bộ mới trong điều trị thiếu máu ở bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn sớm, do Hội Niệu - Thận học Việt Nam phối hợp Công ty Roche tổ chức ngày 18-2, tại TPHCM.
Tại hội thảo này, hơn 200 bác sĩ chuyên khoa về nội thận, thận nhân tạo, tim mạch, đái tháo đường, nội tổng quát từ các bệnh viện ở khu vực phía Nam đã tập trung bàn luận, chia sẻ thông tin về những tiến bộ mới trong điều trị hiệu quả biến chứng thiếu máu, giúp kéo dài thời gian sống cũng như giảm biến chứng ở bệnh nhân suy thận mãn, đặc biệt trong giai đoạn sớm chưa có chỉ định lọc thận.
Về điều trị, các chuyên gia quốc tế chia sẻ rằng hiện đã có một số giải pháp mới bước đầu được một số quốc gia thử nghiệm và đã chứng minh được khả năng kích thích tạo máu khi bệnh nhân suy thận mãn bị rơi vào tình trạng thiếu máu. Vấn đề vẫn đang được các nhà khoa học nỗ lực nghiên cứu.
Có thể nhận biết tình trạng thiếu máu
Liệu có phát hiện được sớm tình trạng thiếu máu ở bệnh nhân suy thận mãn để can thiệp điều trị sớm hay không? Các chuyên gia điều trị đã ghi nhận rằng điều này hoàn toàn có thể.
Bởi khi bệnh nhân suy thận mãn thiếu máu ở mức độ nhẹ thì thường phát hiện dựa trên xét nghiệm thành phần của máu, cụ thể là số lượng hồng cầu, hàm lượng hemoglobin, hematocrit, ferritin, độ bão hòa của protein vận chuyển chất sắt.
Nếu thiếu máu đã rõ thì bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, da xanh xao, niêm mạc có màu hồng nhợt nhạt, tim đập nhanh, sức chịu đựng kém và khả năng tập trung suy giảm… |
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!