Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM ngày 29-12 cho biết bệnh viện vừa cứu sống bé gái T.T.Th.Ng. (11 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) bị ong đốt đến suy hô hấp nặng.
Theo người nhà bệnh nhân, trong khi đang tắm, Ng. bị một con ong đậu trong khăn bay ra đốt bàn tay phải. Sau đó, em nổi mề đay, ngứa toàn thân, tay chân lạnh ẩm mồ hôi, than mệt và khó chịu.
Người nhà đã đưa Ng. đến bệnh viện địa phương. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán em bị sốc phản vệ do có biểu hiện môi tái, da xanh, mạch nhẹ, huyết áp khó đo. Sau khi điều trị theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ, tình trạng huyết áp của Ng. có cải thiện nhưng biểu hiện suy hô hấp ngày càng nặng nên phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Tại đây, em vẫn li bì, lơ mơ, khó thở, tím tái. X-quang phổi cho thấy em bị hội chứng nguy kịch hô hấp cấp. Các bác sĩ đã đặt nội khí quản giúp thở, tiếp tục điều trị sốc phản vệ. Sau 2 ngày điều trị, sức khỏe Ng. cải thiện dần, được cai máy thở, thở qua hệ thống áp lực dương liên tục. Hiện em đã qua được cơn hiểm nghèo.
Cách sơ cứu khi bị ong đốt
- Hầu hết ong đốt đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da nạn nhân, ngoại trừ ong vò vẽ. Tốt nhất là lấy vòi chích ra bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.
- Rửa sạch vùng bị chích bằng xà bông và nước ấm.
- Đắp băng lạnh lên vết cắn để giảm đau và giảm sưng.
-Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nếu có biểu hiện: nổi mề đay, than mệt, tay chân lạnh, tiểu đỏ, tiểu ít, bị ong vò vẽ đốt trên 10 vết.
Theo Bệnh viện Nhi Đồng 1 |
Bình luận (0)