Bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Trưởng Khoa Mắt Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, cho biết khi vào cấp cứu tại bệnh viện, nam bệnh nhân được rửa mắt liên tục nhằm làm giảm tác hại của hóa chất lên mắt.
Sau thăm khám, ghi nhận kết quả mức độ tổn thương nhãn cầu: Mắt đau nhức nhiều, kết mạc cương tụ phù, thiếu máu vùng rìa khoảng 1/3 chu vi; giác mạc tróc toàn bộ biểu mô, phù đục giác mạc ở 1/3 dưới; phản ứng viêm trong tiền phòng, khó quan sát rõ các cấu trúc nội nhãn. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mù lòa.
Bệnh nhân được nhập viện với chẩn đoán mắt trái bỏng mức độ II-III do hóa chất NaOH. Bệnh nhân được lên kế hoạch điều trị và theo dõi các tổn thương ở nhãn cầu do NaOH gây ra ở các ngày tiếp theo. Hiện tại, sau 7 ngày điều trị mắt trái bệnh nhân đã giảm cộm xốn, đỡ đau, tình trạng mắt đã ổn định hơn và thị lực phục hồi tốt hơn.
Theo bác sĩ Nga, tai nạn bỏng nói chung, bỏng mắt nói riêng có thể xảy ra với bất kì ai, có những trường hợp bỏng mắt gặp khó khăn trong điều trị. Bỏng mắt do hóa chất là một cấp cứu đặc biệt trong nhãn khoa, rất nguy hiểm vì có thể gây mù không hồi phục.
"Khoa đã tiếp nhận nhiều ca bỏng hóa chất (axit, bazơ, nhiệt, thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm vải, lưu huỳnh, thuốc tẩy…) và đa phần do người bệnh không tuân thủ an toàn lao động. Tùy vào tác nhân gây bỏng, thời gian tác dụng bao lâu, nồng độ hóa chất sẽ gây mức độ tổn thương khác nhau. Bỏng mắt có thể để lại tổn thương rất nặng nề, do đó khuyến cáo đối với những người làm nghề có nguy cơ bỏng mắt cao cần phải được trang bị đồ dùng bảo hộ lao động và chấp hành tốt các nội qui quy định về an toàn lao động" - bác sĩ Nga nói.
Trường hợp không may tai nạn xảy ra, bác sĩ Nga cho hay nên cấp cứu bằng cách rửa mắt liên tục bằng nguồn nước sạch có sẵn gần nhất có thể. Sau đó đến ngay các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa Mắt để được tiếp tục xử trí nhằm hạn chế tối đa các tổn thương cho mắt.
Bình luận (0)