Nhóm tác giả đến từ Đại học Simon Fraser (British Columbia, Canada) đã tìm thấy bằng chứng rõ ràng rằng nguy cơ mắc chứng tự kỷ ở đứa bé sắp chào đời tăng lên sau mỗi 3 tháng thai phụ sống ở một khu vực ô nhiễm.
Nếu thai phụ sống ở vùng ô nhiễm, nguy cơ tự kỷ sẽ gia tăng ở các em bé sắp chào đời - ảnh: SHUTTERSTOCK
Tác nhân lớn nhất mà nhóm nghiên cứu tìm thấy oxit nitric (NO), một hóa chất được tạo ra khi nhiên liệu bị đốt cháy, hay nói cách khác là một thành phần trong khí thải từ các phương tiện giao thông.
Chỉ cần mức gia tăng khoảng 10,7 phần tỉ NO trong không khí, nguy cơ tự kỷ đã tăng đến 9% ở các bé trai. Nhóm nghiên cứu không tìm thấy liên hệ rủi ro rõ ràng ở các bé gái, tuy nhiên, điều này không đáng ngạc nhiên bởi số bé trai mắc rối loạn phổ tự kỷ luôn gấp 4 lần so với bé gái.
Để đi đến kết luận này, nhóm nghiên cứu đã khảo sát tất cả các ca sinh tại Vancouver - một thành phố lớn của Canada – từ năm 2004 đến 2009. Các bé được theo dõi đến tuổi lên 5. Trong số các trẻ đó, 1.307 bé, tương đương 1% đã được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ.
Nhà dịch tễ học Lief Pagalan, tác giả chính của nghiên cứu, nhận xét: "Những phát hiện này cho thấy việc giúp thai phụ giảm tiếp xúc với NO có thế giúp giảm tỉ lệ trẻ em mắc tự kỷ".
Một số chất ô nhiễm khác cũng được xem xét đến như "siêu bụi" PM2.5 và nitrogen dioxit (NO2), tuy nhiên, hầu như chúng không liên quan đến tự kỷ.
Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng nguyên nhân của tự kỷ rất đa dạng và theo các nghiên cứu từ trước tới nay, rối loạn này có thể do cả yếu tố di truyền lẫn môi trường. Ô nhiễm có thể xem là một trong các yếu tố môi trường đó.
Công trình vừa được công bố trên tạp chí khoa học JAMA Pediatrics.
Bình luận (0)