9 giờ 51 phút ngày 15-7, ê-kíp phẫu thuật đã rạch đường da đầu tiên bắt đầu ca mổ. Sau 12 giờ "nghẹt thở", ca đại phẫu thuật tách rời 2 bé gái song sinh dính liền tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố đã thành công tốt đẹp. Đến 18 giờ cùng ngày, các bác sĩ (BS) hoàn tất công đoạn cuối cùng đóng khung chậu, kéo vạt da tạo hình để lấp kín lại các cơ quan bên trong, mở ra một cuộc đời mới cho hai bé.
Cuộc đọ sức trí tuệ
Để thực hiện ca đại phẫu này, một ê - kíp chuyên gia hùng hậu với hàng trăm y, BS đã được huy động, gồm 60 BS, điều dưỡng và nhân viên Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, 30 chuyên gia từ các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Chợ Rẫy, Chấn thương Chỉnh hình, Mắt TP, Xuyên Á, Đại học Y Dược TP HCM.
Hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi trước khi mổ tách rời
Từ sáng sớm, hai bé được đẩy vào phòng mổ bắt đầu gây mê. Bên cáng y tế, chị Trần Thị Hồng Thúy (mẹ bé Trúc Nhi - Diệu Nhi) không kìm được nước mắt. Đối với vợ chồng chị, 12 giờ của ngày hôm nay là chuỗi thời gian dài đằng đẵng, họ ngồi chờ đợi bên ngoài phòng mổ với những khấp khởi lo âu kèm theo những ước nguyện cầu mong phép mầu, sự bình an cho các con của mình. Bên trong, các y, BS cùng Trúc Nhi - Diệu Nhi cố gắng từng giây, từng phút để chiến thắng số phận.
TS-BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, cho biết dù quyết định tách dính mang tính táo bạo nhưng thật cần thiết và nhân văn. "Tâm nguyện của chúng tôi là trả lại cho hai bé một cuộc đời lành lặn như bao trẻ khác. Trải qua bao lần hội chẩn, để ngày hôm nay đi đến quyết định thực hiện công việc này. Một trường hợp hiếm hoi, với thành công không phải là nhiều trong y văn" - BS Định bày tỏ.
TS-BS Trần Văn Dương - Bệnh viện Chợ Rẫy, Trưởng nhóm phẫu thuật tạo hình - là người đã rạch da, cân cơ và mở bụng tách hai bé, sau đó nhóm phẫu thuật ngoại tổng quát thực hiện phương án chia đôi ruột cho hai bé. Trong phòng mổ chính, kíp mổ luôn duy trì từ 20-30 người. Ở bên ngoài, nhiều y, BS khác liên tục trao đổi chuyên môn.
Tất cả những dị tật của hai bé đều phù hợp với những định liệu trước phẫu thuật. Sinh hiệu hai bé hoàn toàn ổn định trong suốt cuộc mổ. Các BS tiến hành phương án chia đôi ruột, tách bàng quang, niệu quản, tử cung, âm đạo. Do có sự chuẩn bị tốt trước phẫu thuật nên mọi diễn tiến từ gây mê đến sắp tư thế đều đúng như dự kiến. Các BS đã chia nửa đầu đại tràng cho bé Trúc Nhi, nửa cuối kèm hậu môn thật cho bé Diệu Nhi.
Theo các BS, dự kiến mỗi bé sẽ mất khoảng 250-500 ml máu. Để có máu cho hai bé sử dụng trong suốt ca mổ, bệnh viện đã chuẩn bị 16 đơn vị hồng cầu lắng, 12 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và 12 đơn vị tiểu cầu. Hai phòng mổ siêu sạch cũng được chuẩn bị để đón tách hai bé song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi.
Đến 14 giờ 10 phút, hai bé song sinh dính liền Trúc Nhi - Diệu Nhi được tách rời hoàn toàn, chia ra 2 phòng, 4 ê-kíp BS tiếp tục công đoạn còn lại. Thời khắc tách rời, các BS không nói nên lời. Còn chị Thúy - mẹ của hai bé Trúc Nhi và Diệu Nhi - thì vui mừng hạnh phúc mà không có từ nào tả xiết.
Cảm xúc lịch sử
Kịch bản trước cuộc mổ đã lên rất bài bản. Trong quá trình phẫu thuật, sẽ thứ tự từng nhóm BS chuyên khoa vào cuộc. Nhóm phẫu thuật ngoại niệu đảm nhận tách bàng quang, tử cung, âm đạo, niệu quản. Việc này không gặp khó khăn khi tách dính và phân chia các cơ quan. Về việc tách xương chậu của 2 bé có gặp khó khăn trong lúc tách rời, do màng xương dính nhau rất cứng. Tuy nhiên, mọi việc vẫn diễn tiến tốt, chảy máu lượng ít, chỉ phải truyền 1 đơn vị máu cho mỗi bé.
Sau khi tách rời hoàn toàn mỗi bé đưa ra bàn mổ riêng, chuẩn bị các công đoạn chỉnh hình khung chậu, kéo vạt da che các cơ quan của bé. Nhóm ngoại niệu phẫu thuật phục hồi hệ tiết niệu sinh dục; ngoại tổng hợp phẫu thuật phục hồi hệ tiêu hóa; nhóm tạo hình chỉnh phục hồi tầng sinh môn, khung chậu cho hai bé.
Tham gia cuộc mổ ngay từ đầu, GS-BS Trần Đông A - người từng có mặt trong ca mổ lịch sử vang danh thế giới tách rời anh em Việt - Đức cách đây hơn 30 năm - với vai trò là cố vấn chuyên môn. Dù tuổi đã cao nhưng trước ca mổ thách thức này, GS-BS Trần Đông A cho rằng ông vẫn còn rất sung sức, đầy năng lượng để cùng với các thế hệ học trò, đồng nghiệp mang lại hình hài bình thường cho hai bé.
GS Trần Đông A chia sẻ ca mổ tách rời này làm ông nhớ lại khoảnh khắc ca mổ Việt - Đức cách đây 32 năm mà ông là trưởng ê-kíp mổ. Ông nhận định ca mổ 2 bé Trúc Nhi - Diệu Nhi sẽ là cột mốc lịch sử cho sự tiến bộ của ngành y tế Việt Nam, kể từ sau 32 năm tách mổ thành công cặp song sinh Việt - Đức. Hồi đó, điều kiện khó khăn hơn nhiều, phương tiện, thuốc men thiếu thốn nhưng các BS vẫn mổ thành công. Tuy nhiên, ca Việt - Đức chỉ có 3 chân. Ở ca hai bé này nhờ có điều kiện y khoa hiện đại hơn nên thao tác có phần thuận lợi, diễn ra đúng như kế hoạch dự kiến và hai bé có đủ 4 chân.
Cực kỳ hiếm gặp
Hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi dính nhau vùng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus), cực kỳ hiếm gặp. Theo ước tính trên thế giới, tỉ lệ song thai dính nhau là 1/200.000 trẻ sinh sống. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau theo kiểu ischiopagus tetrapus.
Bình luận (0)