Theo báo cáo từ hai siêu thị trên, ngay sau khi có thông tin về sữa có melamine, siêu thị đã tổng kiểm tra các mặt hàng đang bán, đối với những sản phẩm sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc đều được lấy khỏi kệ hàng và niêm phong. Ngoài ra, lãnh đạo siêu thị cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, cung cấp đang có sản phẩm bày bán tại đây phải có giấy chứng nhận chất lượng, kiểm nghiệm không có melamine mới được tiếp tục bày bán. Ông Alain Noguera, Giám đốc Big C, cho biết đến thời điểm này, các mẫu sản phẩm lấy tại siêu thị chưa phát hiện nhiễm melamine. Còn tại kho bảo quản của Metro Thăng Long hiện đang niêm phong 1.400 thùng sữa tươi (khoảng 7.000 lít), toàn bộ sản phẩm này đều của Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk).
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu yêu cầu hai siêu thị Big C và Metro Thăng Long không bán những sản phẩm không rõ nguồn gốc, chỉ cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm bảo đảm chất lượng; tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng để phát hiện nhanh những loại sữa không bảo đảm chất lượng, nhất là những sản phẩm có chất melamine.
Hai siêu thị đã ký cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa. Theo đó, các sản phẩm được bày bán phải có đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ, giấy công bố chất lượng sản phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)...
Cùng ngày, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế), cũng lưu ý về việc thời gian qua còn ít sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ (từ 0 đến 6 tháng) được xét nghiệm hàm lượng melamine. Vì thế, cục đã yêu cầu nâng tỉ trọng lấy các mẫu sữa này để kiểm tra xét nghiệm chất melamine.
Theo Bộ Y tế, trong số hơn 300 mẫu sữa, nguyên liệu sữa, bột kem, bánh... đã phát hiện 23 sản phẩm có chứa melamine. Vì thế, Bộ Y tế đã phải lập 15 đoàn thanh tra có nhiệm vụ kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa, các cơ sở sử dụng nguyên liệu sữa trên toàn quốc... Động thái này, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, nhằm quyết liệt ngăn chặn sữa có melamine đến tay người tiêu dùng, đồng thời giải quyết những ách tắc trong sản xuất, lưu thông sản phẩm sữa.
Cũng trong hơn hai tuần kiểm tra thị trường sữa, đoàn kiểm tra của các tỉnh, thành đã đình chỉ lưu thông, nhập khẩu hơn 1.000 tấn sữa, nguyên liệu sữa, trong đó có trên 300 tấn sẽ phải tiêu hủy. Theo thống kê, cả năm 2007, VN nhập khẩu nửa tỉ USD sữa và các sản phẩm từ sữa, đó là chưa thống kê hết sữa nhập theo đường tiểu ngạch từ các vùng biên giới. Thị trường hiện nay có khoảng 400 loại sữa nhập ngoại, chiếm hơn 65% thị phần, được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm. Trong khi đó, hầu hết các loại sữa này đều được nhập khẩu theo dạng doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn. Việc kiểm định chất lượng sữa cũng chỉ dừng lại ở việc kiểm tra ATVSTP như độ nhiễm khuẩn, tỉ lệ kim loại nặng, tạp chất...
Chỉ trong vòng hơn 2 tuần qua, số sản phẩm nhiễm melamine được phát hiện tại VN đã liên tục tăng và sẽ còn diễn biến phức tạp. Hiện chưa thể xác định chính xác có bao nhiêu sản phẩm chứa melamine được tung ra thị trường và đã được tiêu thụ.
Cả thanh tra và trung tâm kiểm nghiệm đều than khó ! Sẽ cho phép đơn vị tư nhân hoạt động kiểm nghiệm melamine Cuối tuần qua, tiếp tục chuyến công tác chỉ đạo khẩn cấp những tồn tại liên quan vụ sữa nhiễm melamine tại các tỉnh phía Nam, đoàn thanh tra Bộ Y tế do Thứ trưởng Cao Minh Quang dẫn đầu đã có cuộc hậu kiểm đối với các doanh nghiệp (DN) có sản phẩm bị nhiễm melamine. Ngoài TPHCM, dự kiến hôm nay, 6-10, đoàn thanh tra sẽ tiếp tục làm việc tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang. Theo báo cáo, trong thời gian qua, đoàn đã lấy tổng cộng 40 mẫu tại khu vực phía Nam và đã gửi 5 mẫu kiểm nghiệm. Theo đoàn thanh tra, trong những ngày kiểm tra, đoàn ghi nhận thực tế là DN ở các tỉnh đang “mù mờ thông tin” không biết gửi mẫu kiểm nghiệm về đâu, trong khi đó, vì thời gian cấp bách, đoàn thanh tra cũng không kịp lấy mẫu. “Một mình thanh tra bộ không thể lấy mẫu. Nhưng khó khăn lớn nhất là thiếu kinh phí”, một thành viên của đoàn thanh tra than. Theo quy định hiện hành, chi phí cho một mẫu kiểm nghiệm melamine tối thiểu cũng từ 500.000 đồng trở lên và phải từ 3 ngày đến một tuần mới có kết quả. Trong khi đó, theo tiến sĩ Lê Hoàng Ninh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM (Bộ Y tế), hiện nay viện đã tiếp nhận 200 mẫu do các đơn vị gửi tới kiểm nghiệm melamine, trong số đó đã xác định 7 mẫu có kết quả dương tính với độc chất này. Ông Ninh cũng cho biết đang gặp khó về vấn đề kinh phí, vì ngoài yếu tố kỹ thuật, các hóa chất để kiểm nghiệm phải mua ở Singapore. “Đối với DN thì tiền bạc sòng phẳng, còn với của cơ quan chức năng Nhà nước thì chưa được thanh toán tiền”- ông Ninh phân trần. Thứ trưởng Cao Minh Quang yêu cầu các đơn vị liên quan phải giải quyết sớm, đáp ứng kinh phí cho việc hoạt động của thanh tra và cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, ông Quang cũng cho biết ngoài 22 đơn vị kiểm nghiệm được Bộ Y tế cho phép, bộ sẽ tiếp tục xem xét cho phép đơn vị tư nhân hoạt động kiểm nghiệm melamine. Tuy nhiên, các đơn vị này phải chứng minh đủ năng lực chuyên môn. Việc thẩm định, kiểm tra, đánh giá năng lực kỹ thuật... của đơn vị kiểm định tư nhân được giao cho Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM quyết định. N. Thạnh |
Bình luận (0)