Ngày 6-4, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, cho biết đã nhận được công văn của Bộ Y tế đề nghị báo cáo vụ việc thai nhi 5,1 kg tử vong bất thường trong lúc sinh tại Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn.
"Hiện sở đã nắm thông tin ban đầu. Ca này khó, thuộc chuyên ngành về sản nên phải có ý kiến chuyên gia, hội đồng chuyên môn phân tích. Tôi đã yêu cầu Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn họp ngay hội đồng chuyên môn, báo cáo kết quả theo đúng yêu cầu của bộ" - ông Hùng nói.
Trước khi sinh, sản phụ T.T.N.Y (33 tuổi; ngụ xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn) siêu âm ở phòng khám tư cho thấy thai nhi nặng 3,5 kg. Tuy nhiên, thực tế thì thai nhi nặng 5,1 kg.
Kết quả siêu âm
Theo anh Nguyễn Ngọc Mai (chồng sản phụ Y), chiều 22-3, gia đình đưa chị đến một cơ sở y tế tư nhân ở phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn để siêu âm thai. Kết quả siêu âm ghi nhận thai nhi nặng 3,5 kg, đầu đang thế thuận, thai khoảng 39 tuần… và không có dấu hiệu bất thường.
Rạng sáng 23-3, chị Y. đau bụng nên được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn. Kíp trực tại Khoa Sản lúc này có 3 điều dưỡng và 1 bác sĩ chuyên khoa sản. Sau khi thăm khám, kíp trực quyết định để chị Y. sinh thường. Khi chị Y. sinh, đầu thai nhi đã lọt ra bên ngoài, còn từ vai trở xuống bị kẹt nhưng các y, bác sĩ vẫn không thể can thiệp được. Sau khi hội chẩn, lãnh đạo Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn quyết định chuyển chị Y. đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.
Đến 6 giờ 30 phút cùng ngày, chị Y. được chuyển đến Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Các bác sĩ mổ lấy thai nhi nặng 5,1 kg ra ngoài nhưng đã tử vong trước đó, còn chị Y. được cấp cứu kịp thời.
Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn, nơi sản phụ Yến sinh
Ông Lê Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn, cho biết sản phụ Y. từng sinh 2 con nặng 3,9 kg vào năm 2009 và 4,2 kg vào năm 2015. Lần này, chị vào viện với tình trạng thai đủ tháng, đau bụng sinh, có ra nước ối. Ghi nhận của kíp trực cho thấy mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ… của sản phụ đều bình thường.
Qua khám thai, trung tâm chẩn đoán là thai con rạ đủ tháng, ngôi đầu, chuyển dạ và cho tiến hành các xét nghiệm huyết học, nhóm máu, nước tiểu. Ngoài ra, dựa vào kết quả siêu âm của phòng khám tư, khả năng tiên lượng của bác sĩ chuyên khoa và yếu tố tiền sử 2 lần sinh con trước đó, kíp trực không cho siêu âm lại mà chỉ định tiếp tục theo dõi thường xuyên để sinh thường.
"Do có những phát triển bất thường của thai, về mặt phương diện siêu âm với lâm sàng không phát hiện ra được. Trường hợp này rất hiếm gặp, ngoài ý muốn, ngoài khả năng chuyên môn" - ông Bình lý giải.
Bình luận (0)