PGS-TS-BS Phạm Hiếu Liêm, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện (BV) Da Liễu, cho biết đa số bệnh nhân bị tai biến thường là ở các cơ sở thẩm mỹ không phép, người thực hiện các dịch vụ làm đẹp không phải là bác sĩ, do vậy dễ dẫn đến những biến chứng.
Mất việc làm vì làm đẹp
Ca tử vong sau hút mỡ bụng mới đây tại quận Tân Bình, TP HCM gióng lên hồi chuông biến cố chết người không mong muốn xảy ra trong phẫu thuật thẩm mỹ. Người phụ nữ hơn 50 tuổi sau khi làm đẹp được chuyển đến BV Chợ Rẫy cấp cứu với tình trạng đáng lo ngại. Kết luận của BV này cho hay bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, viêm cân hoại tử, trên nền bệnh lý tăng huyết áp.
Cách đó chưa lâu, 2 cô gái trẻ khác đang khỏe mạnh thì bị tai họa giáng xuống sau cắt mí mắt và nâng mũi tại địa phương. Bệnh nhân là chị N.T.N.T (25 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) và P.T.K.N (41, ngụ tỉnh Đồng Nai). TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc BV Thẩm mỹ JW Hàn Quốc TP HCM (nơi tiếp nhận cứu chữa 2 cô gái), cho biết gần đây BV đã mổ cấp cứu cho nhiều trường hợp biến chứng sau khi "làm đẹp".
Bác sĩ Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc TP HCM mổ cấp cứu bệnh nhân bị biến chứng sau làm đẹp. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Chị T. đến BV cầu cứu trong tình trạng hoảng loạn, đôi mắt đỏ ngầu, mí dưới máu đỏ tươi, mí trên chi chít sẹo và mắt lúc nào cũng chảy nước vì mí bị lật ngược, không thể khép lại được. Chưa kể, sau cắt mí, chị T. còn bị công ty cho thôi việc vì dung mạo thay đổi quá bất thường.
Riêng chị N. là một nạn nhân bị biến dạng mũi do tham gia vào buổi tuyển chọn người mẫu cho học viên spa thực hành mổ thẩm mỹ. Biến cố ập đến chỉ 2 ngày sau mổ, cơn đau buốt dọc sống mũi khiến chị N. không thể ngủ, chảy dịch và sưng tấy liên tục. Liên hệ spa để cầu cứu nhưng cơ sở phủi trách nhiệm.
BS Tú Dung cho biết bệnh nhân T. bị tình trạng "mắt quỷ" là do thực hiện sai kỹ thuật. Nếu giải quyết muộn thì khả năng sẽ bị viêm giác mạc nặng, nguy cơ mù lòa. BV đã thực hiện kỹ thuật mổ kín và khâu khép cơ vòng mi giúp hồi sinh đôi mắt cho chị T. Hai mí mắt chị T. đã chạm được nhau tránh được tình trạng nhiễm khuẩn, không còn đau thốn khi tắm hay khi có gió lùa vào.
Nguy cơ nhiễm trùng máu
Tại BV Da Liễu TP HCM gần đây cũng tiếp nhận cứu chữa hàng chục trường hợp tai biến do tiêm chất làm đầy (hay còn gọi là filler). Ca mới nhất là chị N.T.T.T (23 tuổi, ngụ quận 12), đến khám trong tình trạng ở vùng má trái xuất hiện một khối sưng to gây đau nhức. Năm tháng trước đó, chị đến một cơ sở thẩm mỹ tại quận Phú Nhuận tiêm filler với giá 1,7 triệu đồng/1cc và đã tiêm hết khoảng 3-4cc filler.
Gần đây, vùng má trái sưng to, đau nhức nên chị đã tự mua nhiều loại thuốc kháng sinh, kháng viêm (không rõ loại) để uống và khối sưng có giảm nhưng sau đó lại sưng to khi ngưng thuốc. Các bác sĩ đã phải rạch má để tháo dịch khối áp xe căng bóng kích thước 5 x 5 cm cứu dung mạo chị T.
Theo PGS-TS-BS Phạm Hiếu Liêm, nguyên nhân gây nhiễm khuẩn có thể do filler là hàng rẻ, trôi nổi, không bảo đảm chất lượng; cũng có thể do quá trình thực hiện kỹ thuật tiêm không được bảo đảm vô khuẩn tuyệt đối. Nếu không được xử trí kịp thời, ổ áp xe có thể vỡ ra, để lại sẹo lớn, sẹo xấu cho bệnh nhân. Ngoài ra, những chỗ nhiễm trùng vùng mặt nếu không được xử lý sớm, đúng cách, vi khuẩn có thể theo đường máu vào các tĩnh mạch trong sọ hoặc gây nhiễm trùng máu rất nguy hiểm.
Kể từ đầu tháng 10, TP HCM bắt đầu cho phép các cơ sở thẩm mỹ hoạt động trở lại. Đây cũng là lúc các dịch vụ thẩm mỹ "không phép" rầm rộ làm ăn. Việc các cơ sở thẩm mỹ viện, spa chui và các bác sĩ không được cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, kế hoạch thanh tra các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn được triển khai hằng năm. Sau dịch Covid-19, ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai hoạt động thanh tra. Đối với những hoạt động có tính sự vụ được phản ánh, Sở Y tế sẽ nhanh chóng xử lý, cập nhật công khai trên website của sở.
Bình luận (0)