Ngày 16-7, ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Thanh Hóa, cho biết trong sáng cùng ngày, bệnh viện đã tổ chức công bố thành công của ca ghép thận đầu tiên tại đây, đồng thời chúc mừng cho bệnh nhân ghép thận đã ra viện.
TS-BS Trương Thanh Tùng, người tham gia ê-kíp lấy, ghép thận thành công đầu tiên tại Thanh Hóa, bên cạnh bệnh nhân được cho thận Nguyễn Thị Hà
Bệnh nhân được ghép thận thành công là chị Nguyễn Thị Hà (SN 1987, là điều dưỡng viên; ngụ xã Sơn Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Người cho thận là mẹ đẻ của chị Hà, bà Đàm Thị Tuyết (SN 1964), ngụ xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa.
"Bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối cách đây 2 năm, đã phải lọc máu chu kỳ 3 lần mỗi tuần. Ngày 29-6, chúng tôi đã thực hiện việc lấy, ghép thận giữa người cho và người nhận. 10 ngày sau thì người cho đã ra viện. Đến ngày 16-7, người nhận đã được cho ra viện với các chỉ số chuyên môn đều đạt tiêu chuẩn (Ure máu 8.9 mmol/L, Creatinin máu 95 µmol/L, các chỉ số hóa sinh khác, huyết học, siêu âm mạch máu thận ghép trong giới hạn bình thường)"- BS Trương Thanh Tùng, Phó trưởng Khoa Ngoại tiết niệu (BVĐK Thanh Hóa), thành viên ê-kíp thực hiện ca ghép thận, thông tin.
Theo lãnh đạo BVĐK tỉnh Thanh Hóa, để thực hiện ca phẫu thuật ghép thận đầu tiên này, ngày 16-1-2017, BVĐK tỉnh Thanh Hóa đã được Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) ký hợp đồng chuyển giao đào tạo, chuyển giao gói kỹ thuật ghép thận cho BVĐK tỉnh Thanh Hóa. Ngay sau đó, BVĐK tỉnh Thanh Hóa đã cử 46 cán bộ (trong đó có 30 bác sĩ) ra Bệnh viện Việt Đức thực hiện việc đào tạo với thời gian từ 3 đến 6 tháng.
Lãnh đạo BVĐK tỉnh Thanh Hóa tặng hoa chúc mùng ê-kíp mổ và bệnh nhân được ghép thận
Ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc BVĐK tỉnh Thanh Hóa, cho biết ngoài việc cử người đi đào tạo, bệnh viện cũng đã khẩn trương tổ chức thi công cải tạo cơ sở hạ tầng phòng mổ lấy thận và ghép thận đạt tiêu chuẩn, triển khai mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế, thuốc, hóa chất và sinh phẩm chẩn đoán để đảm bảo điều kiện kỹ thuật thực hiện tiếp nhận chuyển giao gói kỹ thuật.
Đến tháng 4-2018, Bộ trưởng Bộ Y tế về thành lập Hội đồng chuyên môn thẩm định và kết luận BVĐK tỉnh Thanh Hóa là cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người cho sống và người cho chết não.
"Tại bệnh viện, mỗi năm trung bình có 420 trường hợp mới mắc suy thận mãn tính điều trị nội trú, hiện tại có hơn 400 trường hợp suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận nhân tạo. Việc triển khai kỹ thuật ghép thận tại địa phương sẽ giúp người bệnh có cơ hội phục hồi sức khỏe gần như hoàn toàn bình thường"- ông Sỹ nói.
Ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (thứ 3 từ trái qua), tới tặng hoa chúc mừng bệnh nhân Nguyễn Thị Hà ngày xuất viện về nhà sau 17 ngày điều trị tại bệnh viện
Được biết, ê-kíp thực hiện thành công ca lấy, ghép thận đầu tiên tại Thanh Hóa gồm có gần 10 y, bác sĩ, trong đó có TS-BS Trương Thanh Tùng; BSCK II Lê Đình Vũ, Trưởng Khoa Ngoại tiết niệu, là những người thực hiện chính của ca ghép thận này.
Bình luận (0)