Ngày 9-8, Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức lễ công bố thành lập Trung tâm Ghép tạng và phát động phong trào hiến tạng mang thông điệp "Trao tặng yêu thương- Nối dài sự sống".
Ra mắt Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện Trung ương Huế
Tại buổi lễ, Hòa thượng Pháp Tông, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban điều hành hệ phái Phật giáo Nam tông Thừa Thiên Huế, cũng phát biểu nói về vấn đề hiến tặng mô, tạng dưới góc nhìn của Phật giáo.
Bệnh viện Trung ương Huế bắt đầu ghép tạng từ năm 2001 và đến nay bệnh viện này đã thực hiện được gần 800 ca ghép thận, 4 ca ghép tim và 1 ca ghép tim phổi. Bệnh viện này có mối quan hệ quốc tế với các tổ chức chuyên ngành về ghép tạng ở nhiều nước trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt đang hợp tác với Trung tâm Y tế ASAN (Hàn Quốc) và Bệnh viện Severance, YONSEI về chương trình ghép gan mang tầm khu vực và quốc tế. Hiện tại các bác sĩ chuẩn bị cho ghép gan đang được sang đào tạo tại 2 bệnh viện trên ở Hàn Quốc.
Hòa thượng Pháp Tông nói về việc hiến tặng tạng, mô
GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, khẳng định việc thành lập Trung tâm Ghép tạng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc ghép tạng tại bệnh viện này cũng như khu vực miền Trung. Việc thành lập trung tâm này cũng mở ra hy vọng trong tương lai sẽ là nòng cốt của Văn phòng Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Theo ước tính, số bệnh nhân suy chức năng các cơ quan như tim, thận, gan, phổi…đang chờ được ghép tạng lên đến 16.000 người, và hơn 6.000 người bị hỏng giác mạc đang chờ được ghép.
Hơn 100 người đăng ký hiện tạng tại lễ phát động
GS-TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, khẳng định trong các bước tiến hành một ca ghép tạng thì trình độ của Việt Nam không thua kém các nước trên thế giới. Tuy nhiên, nguồn tạng hiến ở Việt Nam đang còn quá ít so với số người cần ghép.
Bình luận (0)