hồng trắng trong lễ Macchabee - lễ tri ân những người hiến xác cho khoa học
Đồng hành với sinh viên
Một buổi sáng, chúng tôi đến thăm 2 căn phòng đặc biệt tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM). Một căn lặng im với hàng chục chiếc hòm sắt, nơi các sinh viên trải qua giờ học giải phẫu. Căn còn lại là nơi những thi thể người được hóa thân thành phương tiện học tập thiêng liêng nhất của ngành y.
Khi tôi định bước vào căn phòng, những người thầy và nhân viên kỹ thuật của Bộ môn Giải phẫu cùng ngăn lại: “Cô không ngại chứ?”. Theo họ, đó là căn phòng mà nhiều người khó tránh khỏi cảm giác rờn rợn.
Vừa kiểm tra một chiếc hòm, nhân viên kỹ thuật Nguyễn Thái Bình giải thích: “Bà ấy nằm đây mới mấy tháng, vẫn chưa đồng hành cùng sinh viên trong năm học này”. Trong chiếc quan tài kim loại, thi thể người phụ nữ vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có làn da tái màu báo hiệu sự sống không còn.
Kiểm tra, thay hóa chất, giữ cho căn phòng luôn thoáng đãng, sạch sẽ là một phần trong công việc hằng ngày của anh Bình và các đồng nghiệp. Ngoài ra, họ còn tiếp nhận người vừa mất, xử lý và an táng họ sau một năm thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng.
“Ngày mới được cha vợ dắt vào nghề, tôi sợ lắm. Khi đó, tôi thầm khấn họ hãy để tôi phục vụ người sống, giúp người chết thực hiện di nguyện. Giúp người đã khuất và các sinh viên thực hành cũng là cách để mình tích đức” - anh Bình thổ lộ.
Làm gì đó cho đời...
Ông Hoàng Duy Hòa, cha vợ và là thầy của anh Bình, là người đã gắn bó với phòng “lạnh” suốt 16 năm nay, từ khi phong trào hiến xác mới được khai sinh. Một ngày mới của ông luôn bắt đầu bằng những nén nhang thắp trong phòng. Bên cạnh những dãy tủ cấp đông, chiếc bàn thờ giản đơn luôn ấm nhang đèn như một cách để làm không gian của người chết bớt lạnh lẽo.
“Những người nằm đây có hoàn cảnh khác nhau và thân nhân họ gửi gắm chúng tôi nhiều điều. Tôi nhớ mãi một cụ già ôm lấy tôi khi thi hài vợ ông được đưa đến. Ông khóc, bảo rằng mai mốt cũng sẽ theo bà... Một cụ khác thì bày tỏ nguyện vọng thi hài vợ mình được đưa vào cho sinh viên học tập sớm để ông còn kịp an táng bà trước khi mất vì 2 người không có con cháu. Cụ cũng tình nguyện hiến xác sau khi mất và vì không có thân nhân nên mong được chúng tôi đưa đi hỏa táng rồi để lại tro cốt trong trường…” - ông Hòa bùi ngùi.
Trong những thi hài vừa được tiếp nhận, có một thanh niên mới 22 tuổi. Khi còn sống, anh vốn là một con nghiện ma túy, bước vào tuổi đôi mươi thì thân tàn ma dại. Một lần được mẹ động viên, anh đã cùng bà làm hồ sơ đăng ký hiến xác với ước nguyện: Được một lần làm gì đó cho đời sau khi bỏ phí tuổi trẻ vì nghiện ngập. Mấy tháng sau, anh đã nằm xuống và được đưa về đây…
Những câu chuyện đời ấy như thấm vào máu những người trực tiếp chăm sóc các thi hài. Chính ông Hòa cũng sở hữu tấm thẻ đăng ký hiến xác sau khi qua đời. “Làm được mấy tháng, biết tin GS-BS Nguyễn Quang Quyền (người khai sinh phong trào hiến xác) cũng tình nguyện trao mình cho khoa học, thêm vào những câu chuyện được chứng kiến nên tôi muốn theo bước họ. Nhiều đồng nghiệp cũng vậy” - ông Hòa cho biết.
Gắn bó bằng cả tấm lòng
PGS-TS-BS Phạm Đăng Diệu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trưởng Bộ môn Giải phẫu - cho biết công việc của bộ môn là tiếp nhận thi hài khi được tin báo của người nhà và tổ chức một buổi lễ nhỏ. Sau đó, thi hài được đưa về khoa tắm rửa và xử lý bằng cách bơm vào một hợp chất đặc biệt.
“Quá trình bơm có thể kéo dài 12-24 giờ. Thi hài sẽ được để ráo vài ngày, tắm rửa lần nữa rồi ngâm vào bồn hóa chất hoặc đưa vào nhà cấp đông. Sau 4-5 năm, người đã khuất được mang ra bàn giải phẫu để giúp sinh viên y khoa học tập suốt một năm học rồi mới đưa đi hỏa táng” - BS Diệu giải thích.
Trước ngày về nơi an nghỉ, bao giờ thi hài cũng được thầy cô và sinh viên thay nhau chăm chút lại lần nữa, khâu lành những vết mổ mà họ đã tình nguyện chịu để gửi lại cho đời tri thức. “Phải bảo đảm người ta đến với mình thế nào thì ra đi như thế ấy” - ông Hòa cho biết.
BS Lê Quang Tuyền, Phó trưởng Bộ môn Giải phẫu, cho rằng làm mọi việc chu tất từ ngày thi hài vào trường cho đến lúc an nghỉ cũng là một cách để dạy sinh viên biết quý trọng những người đã không màng đến sự vẹn toàn của cơ thể, hiến dâng cho khoa học. “Điều đầu tiên chúng tôi dặn dò sinh viên trong giờ học giải phẫu là phải tôn trọng những người đang nằm trước mặt” - ông Tuyền nói.
Sẽ có khu tưởng niệm Vì không còn người thân, nhiều người hiến mình cho khoa học đã ở lại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong chiếc bình sứ đựng tro cốt. “Nếu có một khu vực để tro cốt riêng biệt thì những ai muốn tỏ chút tấm lòng cũng được thuận tiện hơn và tấm gương của những người hiến xác sẽ được người đời biết đến” - nhân viên kỹ thuật Hoàng Duy Hòa bày tỏ. PGS-TS-BS Phạm Đăng Diệu cho biết mong muốn này sẽ thực hiện được khi thành lập khu tưởng niệm trong thời gian tới. “Trân trọng, tưởng nhớ những người hiến xác còn là cách để chúng tôi gửi tới sinh viên bài học lớn về y đức” - ông Diệu nhìn nhận. |
Bình luận (0)