Đã có 3 người được cứu sống nhờ nhận tạng hiến từ bệnh nhân chết não. Trong đó, 1 bệnh nhân 54 tuổi (ở Hà Nội) bị ung thư gan giai đoạn cuối, xơ gan được nhận gan ghép; 1 bệnh nhân nam bị suy thận (30 tuổi ở Nam Định) và 1 nữ bác sĩ (32 tuổi công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương) bị suy thận được ghép thận.
Ngoài ra, do không tìm được bệnh nhân có chỉ định ghép tim có chỉ số tương thích với người hiến tạng nên bệnh viện cũng tiếp nhận van tim từ người hiến bảo quản để ghép cho bệnh nhân. Hai giác mạc cũng được lấy để ghép cho những bệnh nhân mắc bệnh lý về mắt, giúp họ tìm lại ánh sáng.
Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, các kíp phẫu thuật bắt đầu lấy tạng ghép từ 14 giờ 30 phút và hoàn tất cả 3 ca ghép vào lúc 20 giờ 30 phút. Đến 22 giờ cùng ngày, các ca ghép đều đã có dấu hiệu tốt. Trong đó, ca ghép gan có dịch mật ra tốt. 2 ca ghép thận đều tỉnh, có nước tiểu.
PGS-TS Quyết cho biết trong gần ba năm qua, Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận tạng hiến từ 13 người chết não, từ đó ghép tim cho 5 bệnh nhân; ghép gan cho 9 trường hợp và 25 trường hợp được ghép thận. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã thực hiện 3 ca ghép gan thành công từ người cho sống.
Nhu cầu ghép thận ở Việt Nam vào khoảng 8.000 người và 1.500 người có chỉ định ghép gan, nhưng số lượng bệnh nhân được ghép lại quá ít.
Nguồn tạng từ người cho chết não tại Việt Nam rất nhiều, chủ yếu từ số bệnh nhân bị tai nạn giao thông tử vong do chấn thương sọ não. Mỗi năm, Bệnh viện Việt Đức có gần 1.000 bệnh nhân chết não vì chấn thương sọ não, tại Bệnh viện Chợ Rẫy là 1.000-1.500 người.
Luật Hiến mô, tạng được thông qua năm 2006 nhưng do quan niệm “chết phải toàn thây”, nhiều người chưa hiểu đúng ý nghĩa của việc làm này nên không đồng ý cho tạng. |
Bình luận (0)