Tình trạng quá tải và không ít phiền phức khác khiến nhiều bệnh nhân mất lòng tin ở bệnh viện trong nước. Ảnh: Ngọc Dung
Bệnh viện nhà không thiêng
Đa phần những người ra nước ngoài KCB mà chúng tôi có dịp tiếp xúc cho biết đã từng trải qua những cú sốc khi KCB ở các bệnh viện (BV) trong nước khiến họ mất niềm tin trầm trọng. Thầy N.T.K là hiệu trưởng một trường THPT ở Nam Định đã về hưu. Cách đây 2 năm, sau một trận ốm, ông thấy có triệu chứng khó thở và ho nhiều. Đi khám tại BV đa khoa tỉnh nhà, bác sĩ kết luận ông bị viêm phổi và kê đơn cho thuốc. Thế nhưng, gần một tháng sau khi thực hiện đúng chỉ định điều trị của bác sĩ, bệnh tình của vị thầy giáo về hưu vẫn không thuyên giảm nên ông quyết định đi khám ở một BV tuyến Trung ương.
Sau khi làm tất cả các xét nghiệm, người đàn ông ở tuổi 63 sững sờ khi được bác sĩ thông báo có tế bào ung thư phổi. “Kết quả khám bệnh quá khác nhau giữa BV tuyến tỉnh và tuyến Trung ương làm tôi sốc thực sự” - thầy giáo N.T.K bày tỏ.
Sau khi suy nghĩ rất nhiều, ông N.T.K quyết định đi Singapore chữa bệnh theo chỉ dẫn của một người bạn vì ung thư đang ở giai đoạn đầu nên hoàn toàn có khả năng chữa khỏi. Điều trị ở Singapore một thời gian, ông N.T.K đúc kết: “Quyết định đi Singapore chữa bệnh là rất sáng suốt. Tôi đã thật sự mất niềm tin đối với BV trong nước”.
Những năm gần đây, khá nhiều bậc phụ huynh đưa con ra nước ngoài chữa bệnh ung thư máu hoặc tim bẩm sinh. Dù đây là những căn bệnh có thể điều trị ở trong nước nhưng với những gia đình có điều kiện thì họ muốn tìm cho con em mình một môi trường tốt nhất để nuôi dưỡng niềm hy vọng. Mới đưa cậu con trai 8 tuổi đi phẫu thuật tim ở Singapore về, chị L.T.H cho biết: “Lúc đầu, tôi đưa con đến khám ở một BV trong nước, bác sĩ tại đây đã nói những điều khiến cháu tỏ ra bi quan vì nghĩ căn bệnh của mình không thể chữa khỏi”.
Chấp nhận chi phí đắt
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 40.000 người ra nước ngoài chữa bệnh bằng đường “chính ngạch”, mang theo cả tỉ USD. KCB ở nước ngoài tốn kém gấp nhiều lần trong nước nhưng bù lại, dịch vụ chăm sóc của họ là đáng đồng tiền bát gạo với trang thiết bị và đội ngũ nhân viên y tế đạt mức hoàn hảo. Thậm chí, nhiều BV ở Singapore, Thái Lan, Đài Loan… còn thu hút bệnh nhân bằng những gói dịch vụ KCB kết hợp du lịch nghỉ dưỡng. “Có việc phải về Việt Nam, tôi hoàn toàn yên tâm khi gửi con ở lại BV vì dịch vụ chăm sóc bệnh nhân ở đây không chê vào đâu được. Họ có cả người phiên dịch tiếng Việt để không tạo ra khoảng cách về sự bất đồng ngôn ngữ giữa bệnh nhân và y - bác sĩ” - chị L.T.H cho biết.
Nhiều người cho biết họ ra nước ngoài KCB chỉ vì không chịu nổi cảnh chen lấn, chờ đợi để rồi nhận được thái độ “ban ơn” của không ít nhân viên y tế tại một số BV trong nước. “Mắc căn bệnh ung thư đại tràng lại có tiền sử cao huyết áp nên tôi không thể chen lấn khi đi KCB. Đã có lần tôi xếp hàng chờ 2-3 giờ tại BV K (Hà Nội) để được khám, đến lúc nhập viện phải nằm 2-3 người/giường. Dẫu biết kinh phí KCB ở các BV nước ngoài cao gấp nhiều lần và đội ngũ y - bác sĩ chưa hẳn đã giỏi hơn trong nước nhưng ít ra tôi cũng cảm thấy mình được phục vụ như một thượng đế” - ông Phạm Hồng H. (65 tuổi, ngụ quận Tây Hồ - Hà Nội) nói.
Người bệnh đi “chui” dễ bị lừa PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, cho rằng con số thống kê bệnh nhân ra nước ngoài KCB mà Bộ Y tế ước tính vẫn chưa đầy đủ vì đó chỉ là số người đi KCB bằng đường “chính ngạch”. Theo ông Quyết, không ít người đang KCB “chui” ở nước ngoài, có thể là những BV cao cấp hoặc các cơ sở y tế không bảo đảm. “Việc KCB “chui” dẫn đến nhiều hệ luỵ khó lường mà người bệnh không thể biết trước, cho nên không ít người đã phải nếm quả đắng khi tiền mất mà tật vẫn mang” - ông Quyết cảnh báo. |
Kỳ tới: Về nước “khắc phục hậu quả”
Bình luận (0)