Sáng 14-9, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức lễ trao chứng chỉ tốt nghiệm cho 32 chuyên viên âm ngữ trị liệu nhi khoa. Đây là khóa đào tạo sau đại học 1 năm dành cho các bác sĩ, điều dưỡng, cử nhân vật lý trị liệu... và cũng là khóa đào tạo về âm ngữ trị liệu thứ 3 do trường này tổ chức, sau 2 khóa học đầu tiên với 33 chuyên viên âm ngữ trị liệu được cấp chứng chỉ.
Các dụng cụ can thiệp âm ngữ trị liệu cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 2
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng là đơn vị đầu tiên đào tạo chuyên ngành này trên cả nước. Theo PGS-TS-BS Ngô Minh Xuân, đây là chuyên ngành khá mới mẻ ở nước ta nhưng đã phát triển từ lâu ở nhiều nước khác. Lý do nhà trường mở chuyên ngành này là do nhu cầu của xã hội quá cao, vài chuyên viên được đào tạo ở nước ngoài không đủ đáp ứng nhu cầu, cần có một đội ngũ được đào tạo tại chỗ và theo tiêu chuẩn nhất định.
Theo ông Hoàng Văn Quyên, Kỹ thuật viên trưởng khoa Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Đồng 1, giảng viên âm ngữ trị liệu của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, hiện nay số trẻ em có nhu cầu được can thiệp về âm – lời nói được đưa đến các đơn vị chuyên khoa rất cao. Âm ngữ trị liệu là một chuyên ngành điều trị cho các bệnh nhân có rối loạn liên quan đến giao tiếp hoặc nuốt như: người sau tai biến, sau phẫu thuật cắt bỏ thanh quản, sau khi được trị sứt môi - chẻ vòm; bệnh nhân bị liệt dây thanh toàn phần hoặc bán phần, phục hồi tiếng nói sau khi cấy điện ốc tai điều trị điếc; trẻ em tự kỷ, chậm nói hoặc rối loạn ngôn ngữ; người nói ngọng, nói lắp, nói giọng ái nam ái nữ…
Dịp này, nhà trường cũng khai giảng một lớp đào tạo sau đại học về âm ngữ trị liệu nhi khoa khác với 50 học viên đến từ khắp cả nước.
Bình luận (0)