Trước khi bệnh nhân có biểu hiện cúm, bệnh nhân có anh rể bị cúm ở Hà Nội về Thanh Hóa thăm vợ con đang ở quê và lây bệnh cho 3 thành viên trong gia đình. Hai người khác bệnh đã tự khỏi, riêng bé gái này bệnh tiến triển nặng lên.
Ngày 16-4 bệnh nhi có sốt, ho, khó thở nhẹ nên đã tới BV huyện khám. Sau một ngày điều trị, tình trạng khó thở của bệnh nhân tăng lên và được chuyển lên BV tỉnh Thanh Hóa.
Chỉ sau một ngày nhập viện, tình trạng khó thở càng tăng lên, tổn thương phổi nặng nề hơn nên tiếp tục được chuyển đến BV lao và bệnh phổi Trung ương. Tại đây chụp lại phim thấy hình ảnh tổn thương phổi tiến triển nhanh, bệnh nhân lập tức được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Mặc dù được điều trị tích cực, đặt ống nội khí quản, thở máy, sử dụng thuốc kháng virus Tamiflu nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi.
Đây là ca tử vong thứ 3 do cúm A/H1N1 được thông báo trong một tháng qua. Trước đó, một người đàn ông hơn 40 tuổi và một thanh niên 23 tuổi đều quê ở Yên Bái cũng đã tử vong do nhiễm virus cúm A/H1N1.
Theo TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, kết quả giám sát cúm trong hơn 3 tháng đầu năm 2013 cho thấy chủng virus cúm A/H1N1 năm 2009 chiếm tới 48% các mẫu xét nghiệm, thay thế dần cúm B và H3N2. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái, các mẫu xét nghiệm nhiễm cúm A/H1N1 chỉ chỉ chiếm 5-7%.
Giới chuyên môn cho rằng dù đây chỉ là hiện tượng bình thường trong “gia đình” cúm mùa nhưng người dân cũng không nên chủ quan. Khi có biểu hiện cúm nên cách ly và đưa người bệnh đến viện để được khám và tư vấn điều trị.
Hiện nay, phần lớn các ca cúm A/H1N1 biến chứng nặng đều do đến viện quá muộn, khi đã có biến chứng tức ngực, suy hô hấp, viêm phổi nặng. Giới chuyên môn khuyến cáo, việc sử dụng thuốc Tamiflu tốt nhất trong 3 ngày từ khi khởi bệnh.
Bình luận (0)