Một bệnh viện ở bang Maharashtra, Ấn Độ, đã báo cáo về ca sinh kỳ lạ mà họ vừa tiếp nhận. Sản phụ Disksha Kamble (25 tuổi), sinh con vào ngày 21-5, ở tháng thứ 8 của thai kỳ. Theo bác sĩ Sanjay Bansode, người tham gia ca đỡ sinh cho sản phụ, mọi người hoàn toàn bị sốc khi bé ra đời vì bé trông y hệt một nàng tiên cá!
Bác sĩ Sanjay Bansode bế "nàng tiên cá" vừa chào đời - ảnh: CATERS NEWS AGENCY
Cháu bé được xác định mắc "hội chứng nàng tiên cá", khiến phần chân của bé hợp nhất, xương hông cũng bị dị dạng khiến toàn bộ thân dưới trông như một chiếc đuôi cá. Bé cũng không có cơ quan sinh dục nên không thể xác định được giới tính.
Bé "nàng tiên cá" đáng thương chỉ nặng gần 1,5 kg và đã qua đời chỉ 15 phút sau khi được sinh ra. Các kết quả kiểm tra cho thấy bé còn bất thường ở thận và phổi.
Phim X-quang thể hiện cơ thể kỳ lạ của cháu bé - ảnh: INDIAPHOTOAGENCY
Cha mẹ bé nói với báo giới rằng họ cảm thấy "tan vỡ" vì sự ra đi của con. Cặp đôi này đã mất một bé gái vào 3 năm trước. Chị Kamble cho biết chị chỉ khám thai một lần duy nhất trong suốt thai kỳ và không phát hiện bất thường gì.
"Hội chứng nàng tiên cá" – "mermaid syndrome" hay "sirenomelia", được cho là ảnh hưởng đến 1/60.000-100.000 ca sinh. Đó là một nhóm các bất thường khiến một phần hoặc toàn bộ đôi chân của bé bị hợp nhất với nhau. Người mắc hội chứng thường kèm theo các vấn đề khác về thận, hệ tiêu hóa, phổi, tim.
Cha mẹ bé cảm thấy tan vỡ vì sự ra đi nhanh chóng của con - ảnh: CATERS NEWS AGENCY
Cận cảnh "nàng tiên cá" trong 15 phút sống ngắn ngủi của bé - ảnh: CATERS NEWS AGENCY
Phần lưng của bé - ảnh: CATERS NEWS AGENCY
Hầu hết những bệnh nhân nặng chết trong giai đoạn sơ sinh bởi dị tật ở phổi và tim. Những ca nhẹ, thường có đôi chân bị hợp nhất chỉ một phần, sẽ được điều trị tách chân bằng phẫu thuật.
Theo y văn Ấn Độ ghi nhận, đây là "nàng tiên cá" thứ 3 ra đời tại đất nước này. Có thể có thêm nhiều trường hợp khác nhưng nhẹ và sự hợp nhất chân không rõ ràng, không đến mức trông như nàng tiên cá.
Tháng 12-2017, một "nàng tiên cá" cũng ra đời tại Kolkata, miền đông Ấn Độ, cũng là con của một cặp vợ chồng nghèo và chỉ sống được 4 giờ. Theo bác sĩ Sudip Saha, chuyên gia nhi khoa tại Bệnh viện Chittaranjan Deva Sadan, nơi "nàng tiên cá" ở Kolkata ra đời, một thai kỳ thiếu thốn dinh dưỡng, em bé không nhận được máu nuôi đầy đủ từ mẹ có thể là nguyên nhân dẫn đến dị tật.
Bình luận (0)