Theo Medical Xpress, Bộ Y tế Indonesia cho biết hôm 20-8 rằng nam bệnh nhân đã trở về Indonesia vào ngày 8-8, xuất hiện triệu chứng sốt và phát ban một tuần sau đó.
Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Mohammad Syahrill cho biết bệnh nhân "có nhận thức và hiểu biết cao về căn bệnh", nên đã lập tức đi khám và thông báo rõ tình trạng với bác sĩ khi thấy các triệu chứng nghi ngờ. Ông từ chối xác định quốc gia mà nam bệnh nhân đã đến trước khi về Indonesia.
Xét nghiệm đậu mùa khỉ - Ảnh minh họa từ DELAWARE NEWS
Như vậy, đây là quốc gia Đông Nam Á thứ 4 có ca bệnh đậu mùa khỉ được xác định. Trước đó Singapore đã báo cao hơn một chục trường hợp. Philippines và Thái Lan mỗi nước có 1 ca.
Theo thống kê mới nhất của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), toàn cầu đã ghi nhận 41.358 ca đậu mùa khỉ từ 94 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nước có số ca nhiều nhất thế giới là Mỹ với 14.594 ca.
Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo về một ca tử vong ở Cộng hòa Dân chủ Congo nghi do sự tái xuất của căn bệnh chết người Ebola.
Theo thông cáo báo chí Báo Người Lao Động nhận được từ WHO rạng sáng 21-8, trường hợp bị nghi ngờ là một phụ nữ 46 tuổi tử vong ngày 15-8 tại Beni, một thị trấn nằm ở Bắc Kivu. Trường hợp này ban đầu được chăm sóc tại Bệnh viện Beni Referral, vì các bệnh khác, nhưng sau đó bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng phù hợp với bệnh Ebola.
Viện Nghiên cứu Y sinh Quốc gia Congo (INRB) đang trong quá trình xét nghiệm mẫu để xác định xem bệnh nhân có đúng là nhiễm virus Ebola hay không.
Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc Khu vực Châu Phi của WHO cho biết: "Trong khi quá trình xét nghiệm đang diễn ra, WHO đã hỗ trợ các quan chức y tế điều tra vụ việc và chuẩn bị cho một đợt bùng phát có thể xảy ra".
Hành động này bao gồm truy vết các trường hợp tiếp xúc, đảm bảo áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm thích hợp, cung cấp biện pháp điều trị cho bệnh nhân và nâng cao nhận thức về Ebola trong cộng đồng địa phương.
Bình luận (0)