Đây là sự hợp tác giữa Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM và Bệnh viện Gia An 115 giúp mở rộng thêm những kỹ thuật mới trong điều trị đột quỵ, đem lại cho bệnh nhân thêm cơ hội phục hồi, giảm tỉ lệ tàn phế, góp phần đưa người bệnh tái hòa nhập cộng đồng sớm.
TS-BS Trương Vĩnh Long, Bệnh viện Gia An 115, cho biết Bệnh viện Nhân dân 115 là một trong những bệnh viện hàng đầu tại TP HCM về các chuyên khoa sâu, nhất là về bệnh lý mạch máu não. Sự hợp tác này ngoài nội dung như đã nói trên, còn giúp Bệnh viện Gia An 115 có thêm điều kiện chữa trị các bệnh lý Thần kinh - đột quỵ.
TS-BS Trương Vĩnh Long, Giám đốc Bệnh viện Gia An 115 nhận giải thưởng xác lập kỷ lục Việt Nam cùng đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115
Hiện nay, bệnh lý đột quỵ ngày càng gia tăng, bệnh không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, người trung niên mà cũng xảy ra ở cả người trẻ. Việc ứng dụng các kỹ thuật cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo là thành tựu đột phá trong những năm gần đây khi áp dụng vào chẩn đoán và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân đột quỵ, nhất là bệnh nhân xuất huyết não.
Phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid do Trung tâm đột quỵ - Đại học Stanford Hoa Kỳ nghiên cứu phát triển và được chính thức ra mắt và lắp đặt vào tháng 6-2019, nhằm ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ.
Việc triển khai hệ thống này đánh dấu Việt Nam trở thành quốc gia thứ 3 tại Đông Nam Á, sau Thái Lan và Indonesia áp dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị đột quỵ. Hiện phần mềm này đã "phủ sóng" trên khắp thế giới với 1.200 bệnh viện lắp đặt tại 40 quốc gia, mang lại hiệu quả cho 250.000 bệnh nhân đột quỵ.
Phần mềm ứng dụng này sẽ giúp xác định rõ thể tích vùng lõi hoại tử, thể tích nhu mô não có nguy cơ tổn thương và hoại tử trong những giờ tiếp theo, còn gọi là "vùng tranh tối tranh sáng" qua đó giúp cho bác sĩ chẩn đoán và can thiệp điều trị chính xác hơn.
Bình luận (0)