Sáng 23-3, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết bệnh nhi Đ.K.L (16 tuổi, ngụ Bạc Liêu) đã có thể bắt đầu ăn cháo sau ca phẫu thuật tạo hình lại dạ dày từ một đoạn ruột non.
6 tháng trước, L. đi chơi ở ngoài về, bắt gặp một chai trà xanh, bên trong đựng nước trong, không màu, không mùi. Nghĩ là nước lọc nên cậu cầm lên uống, không ngờ vừa nuốt hớp đầu đã thấy họng, ngực nóng rát.
Các bác sĩ đang kiểm tra lại vết mổ trên bụng L.
Hóa ra, thứ nước đựng trong chai là một loại axit dùng làm chất xúc tác trong chế tạo composite. L. được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, súc ruột, rửa bao tử và nằm theo dõi 9 ngày.
Sau đó, L. về nhà nhưng ăn uống ngày càng kém và sụt cân nhanh chóng, có giai đoạn chỉ còn 28 kg! Thấy con quá gầy, cha mẹ mới đưa L. lên TP HCM khám. L. đã đi khám ở nhiều bệnh viện: Chợ Rẫy, Bình Dân, Bệnh viện Nhân dân 115 và cuối cùng chuyển sang Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Qua thăm khám, các bác sĩ thấy rằng dạ dày L. đang ngày một hẹp lại vì bị biến dạng quá nặng, tổn thương hoàn toàn do lần uống axit. Trong lòng dạ dày chỉ còn 1 khe hẹp vài mm nên những ngày cuối cùng trước khi phẫu thuật em chỉ có thể uống nước.
Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, tình hình đã không thể cứu vãn, các bác sĩ đành cắt bỏ toàn bộ dạ dày và dùng một đoạn ruột non tạo hình thành dạ dày mới, rồi làm rộng nó ra khoảng 5 lần để đảm bảo chức năng.
Đến sáng nay, mẹ của L. vui mừng cho biết em đã được bác sĩ cho phép ăn cháo. Mấy ngày qua, em cũng uống được khá nhiều sữa và khỏe lên nhanh chóng.
Qua trường hợp này, các bác sĩ cũng cảnh báo rằng tình trạng uống nhầm hóa chất không chỉ gặp ở trẻ nhỏ mà người lớn, trẻ lớn cũng có thể bị, một khi chúng ta vô ý đựng hóa chất trong chai nước uống.
Bình luận (0)