xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thiếu thuốc trị ung thư

Bài và ảnh: KHÁNH ANH

Do không có thuốc điều trị, nhiều bệnh nhân ung thư phải xuất viện sớm, đối mặt với nguy cơ tái phát nặng hơn

Ngày 14-12, bệnh nhi Hoàng Xuân B., 5 tuổi, ở Ninh Bình, bị ung thư máu có chỉ định nhập viện điều trị. Thế nhưng, chưa đầy 2 giờ vào Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, bệnh nhi này phải xuất viện vì loại thuốc chính trong phác đồ điều trị đã hết nhiều ngày qua và chưa biết khi nào mới có lại. Đây không phải là trường hợp cá biệt trong thời gian gần đây.

Bệnh nhân phải trả giá cao

Theo TS-BS Bùi Ngọc Lan, Trưởng Khoa Ung bướu BV Nhi Trung ương, tình trạng thiếu thuốc điều trị thường xảy ra vào những tháng cuối và đầu năm do đầu mối nhập khẩu không nhiều, thậm chí có những mặt hàng chỉ có 1-2 công ty nhập khẩu và phân phối. Hiện có 4 loại thuốc điều trị ung thư đang hết hàng hoặc lúc có, lúc không là Vincristine, Methotrexat 500, Endoxan và Cyclophosphamide.

Cũng theo BS Lan, có những thuốc trị ung thư không chỉ BV mà nhiều hiệu thuốc bên ngoài cũng không có hoặc nếu có, bệnh nhân phải mua với giá rất đắt, có thể gấp 3-4 lần giá trong các cửa hàng thuốc của BV. “Khi đã khan hàng, các hiệu thuốc sẵn sàng đẩy giá lên cao. Trong khi với bệnh ung thư, dù giá đắt, người bệnh cũng phải mua thuốc vì đang điều trị ung thư máu mà phải ngừng thuốc thì tế bào ung thư sẽ phát triển trở lại, bệnh có thể tái phát nặng hơn và đối diện với nguy cơ kháng thuốc điều trị” - BS Lan phân tích.

img
Bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương
 
Không chỉ thuốc mà tình trạng thiếu hóa chất điều trị cho bệnh nhân ung thư cũng xảy ra khá thường xuyên tại nhiều BV ung bướu ở Hà Nội trong thời gian qua. Một bác sĩ ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết không chỉ xảy ra một vài ngày hay một vài tuần như các loại thuốc thông thường, tình trạng “cháy thuốc” ung thư thường kéo dài trong vài ba tháng.
 
Trong khi đó, thuốc thay thế trong điều trị ung thư lại rất hiếm. Do đó, nếu BV không có thuốc hoặc không mua được thuốc ở ngoài, bệnh nhân  đành phải chấp nhận một liệu trình điều trị không tối ưu. “Lẽ ra, phác đồ điều trị của bệnh nhân cần 4-5 loại thuốc nhưng do không có nên bệnh nhân chỉ được điều trị 2-3 loại” - BS này cho biết. Theo nhiều bác sĩ, việc điều trị ung thư đứt quãng như vậy sẽ làm tăng thời gian nằm viện, hiệu quả điều trị thấp.

Do lợi nhuận thấp!

Theo BS Lan, thông thường, khi gần hết thuốc, BV thông báo với nhà cung cấp. Tuy nhiên, có những loại thuốc chỉ có một nhà cung cấp nên khi họ bị “đứt hàng” hoặc chưa kịp làm các thủ tục nhập khẩu thì nạn thiếu thuốc tất yếu xảy ra.

Theo nhiều bác sĩ, một nguyên nhân khác là do thuốc điều trị ung thư không phải là thuốc điều trị phổ biến nên nguồn hàng được nhập về có hạn và khi lượng bệnh nhân tăng đột biến, BV sẽ hết thuốc ngay. “Nhiều loại thuốc dùng cho bệnh nhân ung thư không thể dùng điều trị cho các bệnh khác. Nếu nhập nhiều dễ bị thừa, phải tiêu hủy, rất lãng phí. Có những lúc hết thuốc kéo dài, chúng tôi phải nhờ các đồng nghiệp ở phía Nam chuyển thuốc ra. Để giải quyết sớm được tình trạng này chỉ còn cách cơ quan quản lý linh động giải quyết sớm những đơn hàng cho những doanh nghiệp nhập khẩu” - BS Lan đề nghị.

 Trong khi đó, một BS chuyên ngành ung bướu cho rằng những thuốc thường bị “đứt hàng” phần lớn là loại rẻ tiền, chứ hiếm khi rơi vào những loại có giá hàng chục triệu đồng mỗi lọ. “Thiếu thuốc là do lợi nhuận không cao, thủ tục phức tạp nên doanh nghiệp không mấy mặn mà nhập hàng về. Nếu BV không đốc thúc, có khi tới nửa năm, bệnh nhân vẫn phải chờ thuốc” - BS này tiết lộ.

Trước tình trạng thiếu thuốc sử dụng cho bệnh nhân ung thư, đầu tháng này, BV Nhi Trung ương đã có văn bản gửi Bộ Y tế báo cáo những khó khăn trong việc cung ứng, sử dụng thuốc điều trị ung thư cho người bệnh có thẻ BHYT. BS Lan cho biết: “Hiện có gần 10 loại thuốc mặc dù có trong danh mục được BHYT thanh toán nhưng do không có công ty nào cung cấp và đấu thầu vào BV nên bệnh nhân không được BHYT chi trả như: Dexamethason 0,5 mg/viên, Prednisolon 5 mg/viên, Actinomycin D 0,5 mg/lọ, Fludarabin 50 mg/lọ, Procarbazin 50 mg/viên, Busulphan 4 mg/lọ… Hiện Khoa Ung bướu đã đề nghị những thuốc ít sử dụng, khoa được mua bổ sung, không nhập thuốc trước, tránh lãng phí, bệnh nhân có BHYT cũng không bị thiệt hại, thế nhưng, cũng chưa biết có được chấp thuận hay không” - BS Lan băn khoăn.

BHYT đề nghị giảm hoặc dừng thanh toán thuốc điều trị ung thư

Trước nguy cơ vỡ quỹ BHYT do bội chi mà nguyên nhân được cho là vì danh mục thuốc đắt tiền, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang lấy ý kiến chấn chỉnh lại danh mục các loại thuốc đang được BHYT chi trả, trong đó có thuốc điều trị ung thư. Theo đó, một số thuốc điều trị ung thư đang bị đề nghị ngừng hoặc giảm mức thanh toán từ quỹ BHYT. Hiện nhiều loại thuốc ung thư đắt tiền đang được quỹ BHYT thanh toán từ 50%-100%.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo