Gần đây, nhiều bệnh viện (BV) tại TP HCM áp dụng tế bào gốc (TBG) vào điều trị những căn bệnh hiểm nghèo.
Điều trị ung thư, khớp
Chiết tách, lưu trữ tế bào gốc từ máu cuống rốn tại Ngân hàng TBG MekoStem TP HCM
Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu Huyết học TP HCM, cho biết ghép TBG tạo máu là phương pháp điều trị được áp dụng để điều trị các bệnh lý ung thư máu và ung thư. Có 2 phương pháp chính là ghép TBG thân và dị ghép. Ghép TBG HAPLO được thực hiện thành công từ lâu ở châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc. Với Việt Nam, thành công này mở ra những hy vọng mới trong việc điều trị các bệnh nan y.
Trước đó, hai BV Nhân dân 115 và Đa khoa Vạn Hạnh cũng triển khai ứng dụng TBG trong điều trị bệnh thoái hóa khớp gối. TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết bệnh nhân sẽ được lấy một lượng mô mỡ ở thành bụng, cho vào máy ly tâm để chiết tách TBG của mô mỡ, đồng thời lấy một ít máu chiết tách huyết tương giàu tiểu cầu. Sau đó trộn TBG mô mỡ với huyết tương giàu tiểu cầu thành hỗn dịch để tiêm vào khớp gối cho người bệnh bị thoái hóa khớp gối (độ 2 và độ 3). Trước khi tiêm hỗn dịch này, bệnh nhân sẽ được mổ nội soi để rửa và cắt mô viêm ổ khớp. “Chúng tôi tin rằng sẽ đem lại niềm vui, trả lại chức năng vận động cho hàng trăm người khốn khổ với căn bệnh mắc phải”, TS-BS Nguyễn Đình Phú nhấn mạnh.
Níu lại sự sống
Các chuyên gia cho biết TBG có khả năng điều trị 70-80 loại bệnh. Ở nước ta, nhu cầu áp dụng TBG vào trị bệnh ngày càng phổ biến. Việc ứng dụng TBG đang mở hướng mới cho y học vì có thể điều trị được những loại bệnh nan y tưởng chừng bó tay. Chỉ riêng số người mù cần ghép giác mạc để đem lại ánh sáng hiện có khoảng 300.000 người. Đáng kể nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo về máu, TBG được xem như phao cứu sinh cho họ. Theo GS-TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, hiện tỉ lệ thành công ghép TBG điều trị các bệnh lý tại Việt Nam đạt khá cao. Cụ thể, trong điều trị các bệnh về máu đạt tỉ lệ 65%-75%, với nhóm bệnh lý xương khớp cũng đạt trên 80%.
Những năm qua, số bệnh nhân được ghép TBG tại các BV của Việt Nam liên tục tăng, đặc biệt là những người mắc bệnh hiểm nghèo về máu. Từ năm 2006 đến tháng 1-2013, cả nước có hơn 200 ca bị bệnh về máu đã được điều trị bằng TBG. Ngoài ra đã có 300 bệnh nhân mắc các bệnh lý xương, khớp khó hồi phục cũng được điều trị. Các BV tiếp tục nghiên cứu để áp dụng điều trị bằng TBG với bệnh nhân ung thư vú, ung thư buồng trứng…
Theo các chuyên gia, hiện nay tại Việt Nam, chi phí mỗi ca ghép TBG tự thân trung bình khoảng 180-220 triệu đồng, ghép TBG đồng loại khoảng 300-380 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với nước ngoài. Tuy nhiên, do còn mới mẻ nên các hoạt động điều trị bằng TBG bị vướng về quy định như giấy phép hoạt động, quy trình chuyên môn kỹ thuật, BHYT, giá cả, mua bán chuyển nhượng, quyền lợi, trách nhiệm của người hiến - người nhận... Các chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách cho phương pháp điều trị hiện đại này ngày càng phổ biến tại Việt Nam.
Hạnh phúc Ứng dụng TBG điều trị nhiều bệnh lý nan y như tim mạch, thần kinh, nội tiết, xương khớp, bệnh tự miễn, các tổn thương da và niêm mạc… Trường hợp ghép TBG đầu tiên ở Việt Nam là ở bệnh nhân 26 tuổi do Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM thực hiện từ năm 1995. Đến nay sau 18 năm, bệnh nhân sống hoàn toàn khỏe mạnh, đã có vợ và 2 con. Tại TP HCM, ngoài một số BV còn có Ngân hàng TBG MekoStem (thuộc Công ty Cổ phần Hóa dược phẩm Mekophar) là nơi tiếp nhận lưu trữ TBG để dành chữa bệnh khi cần. Theo dược sĩ Đặng Thị Kim Lan, Tổng Giám đốc MekoStem, ngân hàng sẽ nhận các mẫu dây rốn từ hai nhóm đối tượng để tách và bảo quản TBG là nhóm bà mẹ tình nguyện hiến cho cộng đồng và nhóm dịch vụ dành cho các em bé mới sinh có nhu cầu lưu giữ. |
Bình luận (0)