Mới đây, một tài khoản trên mạng xã hội thông tin "Tân Sơn Nhất có biến" đưa tin thất thiệt: "Nghi ngờ hai hành khách đến từ Trung Quốc bị nhiễm dịch bệnh, bác sĩ và an ninh sân bay giữ lại kiểm tra. Tuy nhiên, hai người này nhất quyết không chịu kiểm tra và đòi lên máy bay cho bằng được. Thế là phong tỏa luôn". Nói thẳng ra, đây là tin giả hoàn toàn, gây nhiễu loạn thông tin rất nguy hiểm cho cộng đồng.
Virus corona qua kính hiển vi
Trước đó có tin đồn 2 bệnh nhân nhiễm virus corona người Trung Quốc tử vong ở Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng đây là tin sai sự thật. Một số thông tin giả khác đưa tin ở Đà Nẵng, Nha Trang có bệnh nhân chết vì virus corona… Tất cả đều là tin giả, rất nguy hiểm.
"Misinformation" không chỉ gây tình trạng hoang mang trong cộng đồng, mà còn gieo nỗi sợ hãi cho xã hội, tạo kích động trong cộng đồng mạng. Rất ngạc nhiên, nhiều người đưa tin giả lại là những facbooker khá nổi tiếng. Có lẽ họ không có điều kiện kiểm chứng hay không tin các thông tin từ nhà chức trách?
Chúng ta không chỉ cần phải tỉnh táo để phân biệt tin giả và tin thật, phải biết cách lượng giá thông tin. Dưới đây là vài cách để tránh bị lừa bởi tin giả:
- Nguồn thông tin từ đâu và ai, có đáng tin cậy, có nguồn gốc chính thống hay không.
- Kiểm tra nội dung thông tin qua các trang web khác. Nhiều thông tin không có nguồn gốc đáng tin cậy, mà chỉ là đồn nhảm. Chẳng hạn như thông tin cho rằng Singapore không cho hàng trăm khách từ Vũ Hán nhập cảnh, nhưng nguồn tin chánh thức từ chánh phủ Singapore khẳng định đó là tin giả.
- Kiểm tra văn phong và ngôn ngữ. Các thông tin thất thiệt thường mang tính giật gân, cảm tính (như "địa ngục"). Ngôn ngữ của họ thường giả bộ khoa học, nhưng không có dữ liệu (và thay vào đó là trích dẫn từ ông này, bà kia mà không rõ văn cảnh, nói chung là mượn danh). Ngoài ra, bản tin gốc tiếng Anh họ viết nhiều khi sai về chánh tả và ngữ pháp.
- Không chỉ đọc tựa đề. Rất nhiều bản tin trên báo có những tựa đề rất nghiêm trọng hay làm cho người ta nghĩ đến virus corona đang giết chết bao nhiêu người, nhưng nội dung thì không có bất cứ chứng cớ nào, theo kiểu "treo đầu dê bán thịt chó".
- Kiểm tra hình ảnh. Rất nhiều bản tin kèm theo những hình ảnh ghê rợn (như ăn súp dơi) nhưng thật ra nội dung chẳng dính dáng gì đến virus corona đang được quan tâm. Rất nhiều hình trên cộng đồng mạng không hề có chú thích nhưng làm cho người xem có cảm tưởng như là liên quan đến thông tin. Hiện tượng này có tên là "clickbait" hay "câu view".
Virus corona qua kính hiển vi, ở góc độ khác
Trong 40 năm qua nhân loại chứng kiến những cơn dịch cúm đến rồi đi. Dịch Ebola năm 1976 ảnh hưởng đến 33.000 người với tỉ lệ tử vong là 40%. Năm 1998, virus Nipah làm cho 500 người bị nhiễm, nhưng tỉ lệ tử vong lên đến 78%! Năm 2002, là dịch SARS, làm hơn 8.000 người nhiễm với tỷ lệ tử vong là 7-9%. Năm 2012 dịch MERS gây nhiễm chừng 2.500 người nhưng tỉ lệ tử vong khá cao, lên đến 34%. Năm nay cũng con Corona (cùng dòng họ với con gây SARS và MERS) gây tác động cho gần 3.000 người, nhưng tỉ lệ tử vong chỉ 3% (hay có thể thấp hơn). Khả năng phòng chống dịch trên thế giới có nhiều tiến bộ và chúng ta có lí do để kì vọng rằng dịch Vũ Hán rồi sẽ là quá khứ.
Một điều đáng lưu ý rằng, trong tất cả các trận dịch trên, không có dịch nào giết nhiều người bằng cúm mùa. Mỗi năm cúm cướp đi hơn 650.000 sinh mạng trên thế giới. Ấy vậy mà chẳng ai sợ hãi cúm! Khi chúng ta không hiểu một hiện tượng, chúng ta sợ hãi; khi chúng ta hiểu hiện tượng thì sự sợ hãi sẽ biến mất.
Khoa học dịch tễ đang rất tiến bộ. Virus corona Vũ Hán chỉ 10 ngày sau khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện, các nhà khoa học đã giải mã toàn bộ hệ gen của virus này. Và cũng ngay lập tức, 2 bài báo về đề tài này đã được đăng trên tập san y khoa lừng danh Lancet mô tả chi tiết những ca bị nhiễm. Các nhà khoa học đang làm thật nhanh và khoa học.
Bình luận (0)