Ngày 21-12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có chỉ thị về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Luật BHYT (sửa đổi năm 2014), từ ngày 1-1-2021 sẽ thực hiện chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với khám chữa bệnh BHYT.
Theo đó, người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng (như đúng tuyến, thay vì chỉ được thanh toán 60% như hiện hành).
Từ ngày 1-1-2021, người điều trị nội trú không đúng tuyến tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh sẽ được quỹ BHYT chi trả
Như vậy, một bệnh nhân có BHYT ở tuyến huyện trước đây có thể đi khám ở các quận/huyện khác trong cùng thành phố được chi trả 100% chi phí BHYT, thì nay nếu tự đi điều trị nội trú (không cần giấy chuyển tuyến từ bệnh viện tuyến dưới) ở bệnh viện tuyến tỉnh thì sẽ được thanh toán từ 80-100% (tuỳ đối tượng) chi phí điều trị nội trú thuộc BHYT chi trả.
Với quy định này, người bệnh khám chữa bệnh trái tuyến ở tuyến tỉnh, nếu không có chỉ định điều trị nội trú sẽ phải tự chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh.
Theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH Việt Nam, một trong những hệ lụy khi thông tuyến BHYT ở tuyến tỉnh vào năm 2021 là việc các bệnh viện sẽ phải đối mặt với tình trạng quá tải khi bệnh nhân điều trị nội trú gia tăng. Không chỉ vậy, khi thông tuyến tỉnh BHYT, chi phí y tế cũng gia tăng, tạo ra áp lực lớn lên quỹ BHYT. Dự kiến, quỹ dự phòng BHYT chỉ đáp ứng chi trả đến năm 2021.
Trước đó, báo cáo về công tác khám, chữa bệnh khi thông tuyến BHYT, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết thực tế, rất nhiều trường hợp đã vượt tuyến BHYT để khám, chữa bệnh khiến bệnh viện tuyến tỉnh phải bù tới 40% chi phí. Do đó, các bệnh viện phải tăng cường việc điều trị cho bệnh nhân, không để bệnh nhân từ bệnh viện tuyến dưới vượt lên tuyến trên để điều trị, gây ra tình trạng quá tải…
Để thực hiện thông tuyến tỉnh khám chữa bệnh BHYT có hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng Y tế các bộ, ngành tăng cường công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BHYT; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật về khám chữa bệnh và BHYT. Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh tăng cường công tác quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị trong đó có quy định tiêu chuẩn nhập viện điều trị nội trú phù hợp với yêu cầu chuyên môn, điều kiện trang thiết bị và nhân lực của bệnh viện tối thiểu 80% các mã bệnh phổ biến mà bệnh viện đang khám chữa bệnh, không chỉ định điều trị nội trú các trường hợp không thực sự cần thiết. Chỉ đạo sắp xếp, bố trí số giường bệnh phù hợp với quy mô, trang thiết bị, nhân lực hiện có của cơ sở khám chữa bệnh.
Tổ chức đặt lịch hẹn khám đối với người đến khám chữa bệnh bằng các hình thức: Qua điện thoại, qua trang tin điện tử của bệnh viện hoặc các phần mềm kết nối với bệnh viện để bảo đảm phục vụ chất lượng, hiệu quả, giảm thời gian chờ đợi, tránh quá tải. Trường hợp tăng số giường bệnh thực kê nhiều hơn so với số giường kế hoạch được phê duyệt để giảm tình trạng nằm ghép, bệnh viện phải bổ sung số lượng nhân lực kịp thời tương ứng.
Bình luận (0)