Chưa đầy 2 tháng vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem được tiêm trở lại, đã có 2 trẻ tử vong và hàng trăm bé nhập viện do phản ứng. Đáng nói là giữa 2 ca tử vong mới nhất là bé gái 5 tháng tuổi Trần Mỹ Ngọc (ngụ xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) và bé trai 3 tháng tuổi (ngụ xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) chỉ cách nhau 14 ngày.
Trùng hợp ngẫu nhiên?
Về sốc phản vệ sau tiêm, ông Phu cho hay theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 20 trường hợp/1 triệu liều sử dụng. “Trường hợp tử vong nêu trên được ghi nhận là một trong tổng số gần 400.000 liều vắc-xin Quinvaxem đã được sử dụng lại từ tháng 10-2013 đến nay” - ông Phu nói.
Giải thích cho hàng loạt trường hợp phản ứng sau tiêm Quinvaxem, Bộ Y tế từng trấn an người dân rằng đây là những phản ứng thông thường, không đáng lo. Hầu hết những ca tử vong sau tiêm vắc-xin này cũng được bộ khẳng định là do trùng hợp ngẫu nhiên.
Để chứng minh, đại diện Bộ Y tế đưa ra số liệu của WHO về tỉ lệ phản ứng sau tiêm vắc-xin có thành phần ho gà toàn tế bào là khá phổ biến với 10%-50% có sốt nhẹ dưới 38,5 độ C, sưng đau tại chỗ tiêm, quấy khóc... Những phản ứng nặng hơn như co thắt kéo dài, tím tái, co giật… chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ, khoảng 1/1.000 mũi tiêm.
“Theo thống kê tại Việt Nam, tỉ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi là 15,8‰, tương đương mỗi ngày có khoảng 70 trẻ dưới 1 tuổi tử vong” - ông Phu dẫn chứng.
Nghèo nên phải chịu!
Bộ Y tế đã nhiều lần khẳng định chất lượng Quinvaxem an toàn nhưng với hàng loạt phản ứng xảy ra sau tiêm vắc-xin này khiến các bậc cha mẹ không khỏi bất an khi cho con tiêm chủng.
Đối với vắc-xin do Hàn Quốc sản xuất này, GS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết đây là loại được Liên minh Toàn cầu về vắc-xin (GAVI) viện trợ. Tuy nhiên, ông Hiển cũng thừa nhận vì Quinvaxem có chứa thành phần ho gà toàn tế bào nên gây nhiều phản ứng tại chỗ và sốt cao hơn các vắc-xin vô bào thế hệ mới hiện nay. So với vắc-xin thế hệ mới, giá thành của Quinvaxem thấp hơn 6-7 lần.
Ông Hiển vẫn khẳng định Quinvaxem là loại vắc-xin an toàn. Theo ông, vắc-xin này đã trải qua nghiên cứu, thử nghiệm, kiểm định tính an toàn khi xuất xưởng, cấp phép, kiểm tra thường kỳ trong quá trình triển khai tiêm chủng.
Trong khi đó, PGS-TS Đỗ Sỹ Hiển, nguyên chủ nhiệm dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, lo ngại: “Với vắc-xin Quinvaxem, cần phải biết rằng ngay cả bản thân nước sản xuất là Hàn Quốc cũng không sử dụng, chỉ bán cho các nước khác, còn người dân của họ sử dụng vắc-xin vô bào. Nước chúng ta nghèo nên phải chịu, phải chấp nhận”.
Trước những đòi hỏi về việc thay thế vắc-xin thế hệ mới để an toàn hơn, GS Nguyễn Trần Hiển cho hay GAVI viện trợ bằng vắc-xin nên không thể “thêm tiền” để mua loại khác. Trường hợp chúng ta từ chối, không nhận Quinvaxem cũng đồng nghĩa với việc hàng triệu trẻ em Việt Nam sẽ không có vắc-xin để ngăn ngừa các bệnh hiểm nghèo.
Sẽ đánh giá tai biến sau tiêm Quinvaxem
PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết trong tuần tới, các thành viên hội đồng chuyên môn về đánh giá tai biến vắc-xin sau tiêm chủng sẽ họp lại để đánh giá về tai biến sau tiêm Quinvaxem. Từ tháng 10-2013 đến nay, đã có 400.000 liều vắc-xin này được tiêm, trong đó gần 50 trẻ phản ứng phải nhập viện tại 8 địa phương. Trung tâm theo dõi phản ứng phụ của thuốc nhận được 32 báo cáo liên quan đến vắc-xin. Trong đó, 19 báo cáo liên quan đến vắc-xin “5 trong 1” thì có 14 trường hợp là Quinvaxem. Các phản ứng liên quan đến Quinvaxem đều là phản ứng nặng. |
40 triệu đồng cho sự im lặng? Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, bé Trần Mỹ Ngọc được tiêm vắc-xin Quinvaxem mũi 1 lúc 7 giờ 30 phút ngày 24-11 tại Trạm Y tế xã Hưng Phú, huyện Phước Long. Sau 4 giờ, bé tím tái, gia đình đưa đến Trạm Y tế xã Vĩnh Thanh rồi chuyển ngay đến Bệnh viện Đa khoa huyện Phước Long. Bé được điều trị tích cực nhưng tử vong lúc 15 giờ 30 phút cùng ngày. Sau khi sự việc xảy ra, ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu cùng đại diện Trung tâm Y tế dự phòng, Công an huyện Phước Long và UBND xã Hưng Phú đã đến bệnh viện lập biên bản, giải thích cho người nhà biết nguyên nhân tử vong là do “sốc thuốc tiêm ngừa 5 trong 1”; đồng thời gợi ý hỗ trợ tiền mai táng hoặc đưa vấn đề ra pháp luật. Cuối cùng, các bên đi đến thống nhất gia đình nhận hỗ trợ 40 triệu đồng với điều kiện không đưa ra pháp luật, không mổ tử thi, không khiếu nại về sau. Ngày 26-11, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến gia đình của bé Ngọc. Căn nhà rộng chưa đầy 20 m2, vách lá rách bươn, nền đất nứt nẻ, không có bàn ghế để tiếp khách. Ông Trần Văn Đây, cha của bé Ngọc, nói về việc chấp nhận lấy 40 triệu đồng: “Nếu làm lớn chuyện, truy cứu ra pháp luật thì tôi cũng không biết lấy đâu ra tiền để mai táng cho con”...
D.Nhân |
Bình luận (0)