Theo Reuters, loại thuốc này, ban đầu được Axcella Health Inc (trụ sở ở Mỹ) phát triển để trị gan nhiễm mỡ, đã được thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ nhằm vào việc điều trị chứng mệt mõi mạn tính do Covid kéo dài, thông qua việc phục hồi chức năng bình thường của ti thể, một "nhà máy điện" cực nhỏ giúp tế bào hoạt động bình thường.
Kết quả của thử nghiệm hoàn toàn ngoài dự kiến. AXA1125 đã thất bại trong việc giúp phục hồi phosphocreatine, một thước đo của chức năng ti thể, nhưng... vẫn hiệu quả một cách bất ngờ trong việc cải thiện triệu chứng của bệnh nhân.
Một bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại bệnh viện ở Israel - Ảnh: REUTERS
Theo kết quả được công bố hôm 2-8, 41 người tham gia, tất cả đều có mức phosphocreatine thấp, đã được chia đôi ngẫu nhiên. 21 người dùng AXA1125 trong 28 ngày, số còn lại được cung cấp giả dược. Họ đều được xác định là đang mệt mỏi vì Covid kéo dài (long-Covid), tức nhiều tuần sau khi đã âm tính mà vẫn còn mệt mỏi bất thường.
Kết quả cho thấy sự khác biệt rõ ở 2 nhóm, trong đó 3/21 người trong nhóm dùng AXA1125 đã có điểm số mệt mỏi về thể chất trở lại bình thường trước khi bệnh, số còn lại cũng được cải thiện rất nhiều; trong khi nhóm dùng giả dược vẫn chìm trong mệt mỏi.
Giám đốc điều hành Axcella Bill Hinshaw cho biết công ty đang thiết kế các thử nghiệm mới lớn hơn và có kế hoạch gặp gỡ các cơ quan quản lý từ Mỹ và Anh với hy vọng tìm kiếm một lộ trình phê duyệt nhanh chóng.
Theo các thông kê, khoảng 100 triệu người toàn thế giới đang gặp khó chịu vì Covid kéo dài, gây mệt mỏi, uể oải, nhưng vẫn chưa có phương pháp điều trị nào được phê duyệt.
EU vội ký hợp đồng mua loại vắc-xin Covid-19 chưa được phê duyệt
Liên minh châu Âu (EU) đã ký hợp đồng cho phép các quốc gia thành viên mua tới 250 triệu liều vắc-xin Covid-19 mới mang tên HIPRA của Tây Ban Nha, một loại vẫn chưa được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt.
Đây sẽ là loại vắc-xin thứ 8 tham gia chương trình mua sắm chung của EU. Theo Medical Xpress, chiến lược mua chung này đã giúp EU đảm bảo 4,2 tỉ liều vắc-xin cho đến nay.
Vắc-xin HIPRA, còn được gọi là PHH-1V, có nguồn gốc từ protein và được dùng như mũi tiêm tăng cường cho người trưởng thành có khả năng miễn dịch bị suy giảm sau 2 hoặc 3 mũi tiêm đầu tiên. EMA đã đưa vắc-xin này vào diện "đánh giá luân phiên" và đang nghiên cứu các thử nghiệm lâm sàng, hy vọng có thể phê duyệt vào cuối năm nay.
"Với tình trạng mắc Covid-19 đang gia tăng ở châu Âu, chúng tôi cần đảm bảo sự chuẩn bị tối đa khi bước vào những tháng mùa thu và mùa đông" - Ủy viên Y tế EU Stella Kyriakides cho biết.
Bình luận (0)