Trong những ngày gần đây, nhiều bạn đọc đã gửi thư về tòa soạn Báo Người Lao Động bày tỏ mong muốn được biết thêm thông tin về chương trình tiêm thử nghiệm vắc-xin sốt xuất huyết đang triển khai tại hai tỉnh An Giang và Tiền Giang.
Được bảo hiểm
Theo Bộ Y tế, đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của đề tài nghiên cứu “Hiệu quả và an toàn của vắc-xin mới ngừa sốt xuất huyết bốn tuýp trên trẻ em khỏe mạnh từ 2 đến 14 tuổi ở châu Á”, do Viện Pasteur TPHCM chủ trì thực hiện và được Bộ Y tế phê duyệt ngày 16-6-2011.
Theo đó, từ tháng 9-2011 đến tháng 8-2016, dự kiến sẽ có 1.402 trẻ ở TP Long Xuyên (An Giang) và 934 trẻ ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang) trong độ tuổi từ 2 đến 14 tham gia vào nghiên cứu này bằng việc được tiêm 3 mũi vắc-xin cách nhau 6 tháng. Ngày 20-9, đã có 20 trẻ ở Tiền Giang và 16 trẻ ở An Giang được tiêm mũi thứ nhất trong chương trình. Việc vì sao lại thử nghiệm ở Tiền Giang và An Giang được lý giải là vì hai địa phương này có số người hằng năm mắc sốt xuất huyết rất cao. Đặc biệt tại Tiền Giang, năm 2007 đã xảy ra dịch lớn với hơn 12.000 ca mắc (cao nhất nước), trong đó có 12 ca tử vong.
Cơ hội thụ hưởng sớm
TS Hữu cũng nhấn mạnh rằng nếu nghiên cứu thành công, trẻ em nước ta sẽ có cơ hội được thụ hưởng vắc-xin có hiệu quả này sớm nhất và được hướng dẫn cách theo dõi sức khỏe tại nhà giúp gia đình đánh giá chính xác hơn sức khỏe của con em. Nhà tài trợ cũng đã cam kết cung cấp đủ số lượng vắc-xin theo yêu cầu với giá ưu đãi cho nước ta.
TS Trần Tấn Thành, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, cũng cho biết trước Việt Nam, hiệu quả giai đoạn cuối của vắc-xin này đã được tiến hành đánh giá ở Thái Lan và Philippines. Kết quả sơ khởi đã được TS Maria R. Capeding, trưởng nhóm nghiên cứu - đánh giá hiệu quả vắc-xin tại tỉnh San Pablo (Philippines), cho biết là an toàn và có hiệu quả tốt.
Giải pháp chủ động, hữu hiệu nhất Các chuyên gia y tế dự phòng cho biết sốt xuất huyết không chỉ là nỗi lo lắng lớn của người dân nước ta mà còn cả một số nước trên thế giới và hiện vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa. Thống kê cho thấy hiện có 2,5 tỉ người sống trong vùng nguy cơ tại hơn 100 quốc gia (cao nhất là vùng Đông Nam Á), với 50-100 triệu ca mắc/năm, trong đó có 500.000 ca nhập viện và 20.000 ca tử vong. Chi phí điều trị từ 600.000 đồng đến 2 triệu đồng/ca là mức không nhỏ đối với thu nhập của đa số người dân. Do đó, việc nghiên cứu để cho ra đời một loại vắc-xin phòng ngừa là điều rất cần thiết và chính là giải pháp chủ động, hữu hiệu nhất. Nh.Sơn |
Bình luận (0)