Thông tin trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, nhấn mạnh tại buổi thăm, chúc Tết và tặng quà đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế tại Sở Y tế TP HCM vào sáng 24-1.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự xúc động với thành quả chống dịch của TP HCM trong năm 2021, đặc biệt trong đợt dịch thứ 4. Trong năm 2021, TP HCM đã có đóng góp quan trọng về sự thay đổi tư duy và biện pháp phòng chống dịch.
"TP HCM đã góp phần đi trước đón đầu thực hiện các thí điểm có tính chất quyết định đến công tác phòng chống dịch và giữ được bản lĩnh lúc khó khăn. Bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa TP HCM với các ngành, các cấp và các bộ, ngành, địa phương. Đến giờ, rất mừng là TP HCM đã là vùng xanh" – Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi cán bộ ngành y tế.
Thủ tướng cũng biểu dương thành tựu mà TP HCM đã vượt qua khó khăn để đạt được như hiện tại. "Trong thành tích chung này có sự đóng góp rất quan trọng của lực lượng y tế, đây là lực lượng nòng cốt không thể thay thế bằng các lực lượng khác. Chúng ta có nhiều khó khăn, tất cả đều chưa có tiền lệ. Nhớ lại thời điểm tháng 5 và6-2021, chúng ta chưa hiểu hết về biến thể Delta khi tốc độ lây lan và nguy hiểm hơn so với chủng gốc. Do đó, đây là tình huống bất ngờ, không chỉ riêng chúng ta mà cả thế giới. Vì vậy, nói để thấy điều ta làm được rất đáng trân trọng" – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết có nhiều khó khăn trong quá trình phòng chống dịch tại TP HCM nói riêng và cả nước nói chung thời gian qua. Thứ nhất, thời điểm dịch bùng tại TP HCM nhưng cả nước mới có 320.000 liều vắc-xin do điều kiện khan hiếm trên toàn cầu, trong khi dân số là hơn 100 triệu dân. Thứ 2, thuốc điều trị cũng không có vì chưa ai khẳng định mà chỉ đang ở trong giai đoạn sản xuất. Thứ 3, y tế cơ sở còn hạn chế. Thứ 4, tất cả đều chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vì dịch diễn ra nhanh. Không có kinh nghiệm nên lúng túng, bị động lúc ban đầu.
"Lúc đó, không còn cách nào khác là buộc phải thực hiện biện pháp hành chính để ngăn chặn lây lan. Bởi với tinh thần đặt tính mạng, sức khỏe và người dân lên trên hết, trước hết, khi chưa có đủ vắc-xin và thuốc chữa bệnh, chúng ta bắt buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, trong đó có việc giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội tại TP HCM và các tỉnh thành phía Nam với khoảng 40 triệu người dân. " – Thủ tướng lý giải.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà lãnh đạo ngành y tế TP HCM
Thủ tướng cũng cho rằng khi áp dụng biện pháp giãn cách thì phải chăm lo an sinh, xã hội. Hàng năm, chăm lo 1 triệu người là nhiều. Tuy nhiên, đợt dịch vừa qua, chúng ta đã lo gần 43 triệu người với hơn 70.000 tỷ đồng, 158.000 tấn gạo. Đây là con số thống kê chưa hết, chưa kể doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tổ Covid cộng đồng và cá nhân lãnh đạo, bà con ở nước ngoài. Bên cạnh đó, chăm lo an sinh xã hội trong điều kiện không bình thường, quy mô lớn, trải dài trên nhiều địa bàn… càng khó hơn.
Thủ tướng cũng điểm lại một số khó khăn thời điểm đó khi lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành cùng TP HCM họp xuyên đêm để đưa ra nhiều biện pháp chống dịch và thống nhất về chủ trương. Thủ tướng đã báo cáo Tổng Bí thư, trao đổi với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành và đi tới quyết định không tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhưng áp dụng một số biện pháp như tình trạng khẩn cấp.
"Ta quyết định lấy cơ sở xã, phường làm pháo đài, người dân làm chiến sĩ để với quan điểm người dân phải được tiếp cận từ sớm, từ xa ngay từ cơ sở với các biện pháp y tế và an sinh, xã hội đảm bảo an toàn trong lúc đang giãn cách. Triển khai thành lập trạm y tế lưu động để người dân được tiếp xúc sớm nhất, nhanh nhất ngay tại cơ sở để ngăn chặn việc lây lan và phòng chống dịch từ cơ sở. Đây là bài học rất quan trọng. Tuy nhiên, khi tình hình quá tải, chúng ta phải tăng cường giãn cách và chăm lo an sinh tốt. Bởi TP HCM không như các nơi khác, 1 quận gần 1 triệu người, 1 phường có khi bằng cả 1 huyện ở tỉnh khác" – Thủ tướng nhận định.
Bên cạnh đó, hàng loạt biện pháp quyết liệt đã được triển khai. Trung ương quyết định tăng cường lực lượng quân đội, công an, y tế cho TP HCM và các tỉnh phía Nam, thiết lập hàng trăm trạm y tế lưu động trong thời gian ngắn; điều trị F0, cung cấp thuốc và hướng dẫn điều trị tại nhà; ưu tiên vắc-xin cho TP HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai…
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho đại diện các đơn vị y tế trên địa bàn TP HCM
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, TP HCM là địa phương đầu tiên triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin, góp phần để Việt Nam từ một nước có tỉ lệ tiêm vắc-xin rất thấp trở thành một trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ vắc-xin cao nhất trên thế giới.
Hiện TP HCM phủ kín xanh sớm nhất trong các tâm điểm dịch chính là nhờ phủ được văc-xin sớm. Đến nay, TP HCM đã bình tĩnh, tự tin mở cửa trở lại, thực hiện hiệu quả chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Qua khó khăn, thách thức, ngành y tế TP HCM đã trưởng thành lên rất nhiều.
Chúng ta đã sơ kết, đúc rút kinh nghiệm, dần hình thành và hoàn thiện lý luận và công thức phòng, chống dịch sát tình hình và phù hợp điều kiện Việt Nam với 3 trụ cột (cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, chặt nhất có thể và giải tỏa cách ly nhanh nhất có thể, xét nghiệm thần tốc, khoa học, hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch, điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở) cùng công thức "5K + văc-xin + thuốc + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác.
Phân tích thêm về những thành quả phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng nêu rõ đất nước ta đã vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả rất đáng trân trọng trên nhiều lĩnh vực.
Năm 2022, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn, dịch bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp với các biến chủng mới. Thủ tướng đề nghị TP HCM không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tiếp tục sơ kết, tổng kết thực tiễn để phòng chống dịch tốt hơn, triển khai hiệu quả chương trình tổng thể phòng chống dịch trong năm 2022-2023, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thần tốc hơn nữa trong tiêm vắc-xin cho toàn bộ các đối tượng theo quy định. Cùng với đó, quyết liệt triển khai biện pháp nhằm kiểm soát rủi ro, ngăn chuyển nặng, tử vong. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong ngành y tế, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, củng cố y tế cơ sở, y tế dự phòng, củng cố năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, phát huy sức mạnh của ngành y tế. Quan tâm, chăm lo cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của TP; chăm lo cho trẻ mồ coi của các gia đình bị tổn thương do dịch Covid-19.
Với các kiến nghị, Thủ tướng đề nghị TP HCM có văn bản cụ thể, Thủ tướng sẽ giao các cơ quan khẩn trương rà soát, có giải pháp phù hợp. Thủ tướng tin tưởng phát huy những thành quả, khắc phục những khó khăn, hạn chế, nhất định năm 2022, TP HCM và ngành y tế TP sẽ đạt được những kết quả, thành tựu lớn hơn nữa, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, đã báo cáo về kết quả hoạt động của ngành trong năm 2021. Theo bác sĩ Thượng, hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP tiếp tục được kiểm soát ổn định trong nhiều ngày qua; số ca mắc mới, số ca nặng và số ca tử vong tiếp tục được kéo giảm sâu.
Cụ thể, TP HCM liên tục có tuần lễ thứ ba là "vùng xanh" với số ca mắc mới tiên tục giảm thấp dưới 300/ngày, số trường hợp tử vong liên tục được kéo giảm từ 123 trường hợp/ngày vào ngày 2-10-2021 nay đã giảm sâu xuống còn 6 ca ngày vào ngày 23-1-2022, trong đó có 2 ca từ tỉnh lân cận chuyển về.
"Hơn 6 tháng căng mình chống dịch, có được kết quả như ngày hôm nay, nhân viên toàn ngành y tế TP HCM xin được trân trọng tri ân và gửi lời cám ơn sâu sắc đến Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ, đã quan tâm, chỉ đạo sát sao, đặc biệt là đã kịp thời ban hành những quyết định chưa từng có mang tính lịch sử làm thay đổi được cục diện của dịch bệnh Covid-19 diễn biến khốc liệt trên địa bàn TP để có được như như ngày hôm nay" – bác sĩ Thượng bày tỏ.
Theo bác sĩ Thượng, sau 3 tháng thực hiện Nghị quyết 128, TP HCM, đã có những chiến lược mới về giám sát, xét nghiệm, kiểm dịch phù hợp. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2022, toàn thể nhân viên ngành y tế TP HCM sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng, không thể tách rời, đó là đảm bảo đạt hiệu quả tốt nhất trong công tác phòng chống dịch Covi-19, đồng thời đảm bảo không làm gián đoạn công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân với chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất có thể của các cơ sở y tế.
Bình luận (0)