Ngày 4-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi và Đề án thực hiện lộ trình tiến tới Bảo hiểm Y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020.
Cách làm gây bức xúc
Bộ Y tế cho biết đến cuối tháng 2 vẫn còn 18 địa phương chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Luật BHYT. Các địa phương lúng túng khi triển khai lập danh sách và thực hiện Bảo hiểm Y tế theo hộ gia đình.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, một trong những vướng mắc là người dân chưa sẵn sàng thực hiện quy định mới khi tham gia Bảo hiểm Y tế. UBND xã, phường chưa lập danh sách đối tượng tham gia Bảo hiểm Y tế theo hộ do chưa có hướng dẫn cũng như chưa được đào tạo về quy định mới. Bên cạnh đó, thu nhập thấp khiến người dân chưa có điều kiện để mua Bảo hiểm Y tế cho cả gia đình.
Trước đó, tại một số địa phương, cơ quan bảo hiểm yêu cầu người tham gia Bảo hiểm Y tế phải chứng minh tình trạng tham gia Bảo hiểm Y tế của người dân bằng cách photocopy thẻ Bảo hiểm Y tế (nếu có) của các thành viên khác trong gia đình, xin xác nhận của cơ quan làm việc… Cách làm này đã gây bức xúc, phản ứng cho không ít người dân.
Để gỡ khó khăn, bà Tiến cho biết Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, thống nhất thực hiện với người tham gia Bảo hiểm Y tế theo hộ gia đình nếu đã có người tham gia Bảo hiểm Y tế tự nguyện đóng 100% các mức đóng, sau ngày 1-1 nếu tiếp tục tham gia Bảo hiểm Y tế được cho phép thực hiện cho cá nhân đó. Những người còn lại trong hộ gia đình phải mua thẻ Bảo hiểm Y tế theo cả hộ.
Đáng nói là một số nhóm đối tượng tham gia Bảo hiểm Y tế có tỉ lệ thấp, nhất là đối tượng cận nghèo (mới tham gia 40% trong số khoảng 2,5 triệu người); hộ gia đình nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống dưới trung bình; người lao động thuộc doanh nghiệp tư nhân và nhóm đối tượng tham gia tự nguyện… Mặc dù đối tượng này đã được hỗ trợ 70% mức đóng nhưng 30% còn lại (khoảng 180.000/thẻ/năm) vẫn còn rất cao so với thu nhập.
Cần quyết liệt
Bộ Y tế cho biết năm 2014, tỉ lệ bao phủ Bảo hiểm Y tế đạt 71,6% (tăng gần 3% so với năm 2013). Tuy nhiên, vẫn chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là 75%.
Đến ngày 31-12-2014, có 32/63 tỉnh hỗ trợ mức đóng cho người thuộc hộ cận nghèo. Bộ Y tế cũng đã dùng kinh phí để hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm Y tế cho người cận nghèo...
Bộ Y tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ 30% mức đóng còn lại để bao phủ Bảo hiểm Y tế cho 100% đối tượng thuộc hộ cận nghèo. Đối với nhóm nông lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình hiện được hỗ trợ 30% mức mua thẻ; các tỉnh nhanh chóng lập danh sách đồng thời bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ thêm 20% mức đóng. Như vậy, nhóm đối tượng này chỉ phải bỏ 50% mức đóng để mua thẻ Bảo hiểm Y tế (khoảng 300.000 đồng/thẻ/năm).
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh thực hiện Bảo hiểm Y tế toàn dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Người bệnh được khám chữa bệnh và khi có bệnh hiểm nghèo được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất là mục tiêu mà chúng ta đang hướng đến. Thủ tướng cho biết sau cuộc họp sẽ ban hành chỉ thị nhằm thực hiện tốt hơn nữa chủ trương Bảo hiểm Y tế toàn dân. Phấn đấu quyết liệt hơn để năm 2015 đạt tỉ lệ bao phủ Bảo hiểm Y tế 75% dân số, đến 2020 đạt 80%.
Cho vay không lãi để xây bệnh viện
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp nhằm đánh giá kết quả thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện (BV) giai đoạn 2013-2020.
Giao nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành y tế tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, không chạy theo thành tích. “Phải quán triệt giảm quá tải đồng thời phải đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Đây là mục tiêu kép, nếu không đạt được thì giảm quá tải cũng không có ý nghĩa” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế lên kế hoạch các BV cần xây trong giai đoạn 2016-2020 để Chính phủ tính toán bố trí nguồn vốn, đồng thời có cơ chế huy động nguồn lực để đầu tư. “Nếu chỉ chờ ngân sách thì không biết bao giờ mới xong và cũng sẽ khó có được BV chất lượng cao. Cần xem xét tạo điều kiện cho BV nào cam kết tự chủ, Chính phủ sẽ cho vay ưu đãi, thậm chí vay không lãi để đầu tư và cho phép điều chỉnh nhanh giá dịch vụ y tế” - Thủ tướng cam kết.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sau 2 năm thực hiện đề án giảm tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020, đến nay đã có 50% số bệnh viện tuyến trung ương đã ký cam kết không để người bệnh nằm ghép giường. Quy trình khám chữa bệnh đã giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-8 bước tùy theo loại hình khám bệnh, giảm trung bình 48,5 phút trên 1 lượt khám bệnh, tiết kiệm được trung bình 27,2 triệu ngày công.
Bình luận (0)