Mới đây, các bác sĩ phải chạy đua với thời gian để cứu một nam sinh viên bị đâm thủng tim. Đang đứng trước cổng trường (ở quận 4, TP HCM) nghe điện thoại sau giờ tan học, sinh viên này bất ngờ bị 2 thanh niên chạy xe máy ngang qua giật điện thoại. Phản xạ khá nhanh khi níu được chiếc xe của chúng nhưng sinh viên này đã bị tên ngồi sau rút dao đâm một phát trí mạng rồi tháo chạy thoát thân. Tại bệnh viện (BV), các bác sĩ phát hiện vết thương xuyên thấu tim nên đã xử trí cấp cứu vá lỗ thủng tim... và anh sinh viên đã được cứu sống.
Thủng tim mà không biết
Cách đó không lâu, BV quận Thủ Đức (TP HCM) cũng tiếp nhận, cứu được một phụ nữ bị đâm thủng cơ quan rất quan trọng này. Nạn nhân là bà P.T.N (42 tuổi, ngụ thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Bà N. là tiểu thương, có mâu thuẫn với một đồng nghiệp khác trong cùng khu chợ. Hôm xảy ra xô xát, trong lúc 2 phụ nữ giằng co vật lộn thì bà N. bị chồng của tiểu thương kia cầm dao mổ gà đâm một nhát trúng ngực trái khiến bà gục tại chỗ.
Khi mở lồng ngực bà N. và thực hiện phẫu thuật vá thủng khẩn cấp, các bác sĩ còn phải lấy ra khoảng 1 lít máu đông trong ổ bụng và truyền tới 18 đơn vị máu mới cứu được bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc BV quận Thủ Đức, cho biết đây là trường hợp rất may mắn được cứu sống.
Gần đây, tại các BV ở TP HCM như Chợ Rẫy, ĐH Y Dược, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Thống Nhất…, số ca bị thương thủng tim đưa đến cấp cứu ngày càng nhiều. Chỉ riêng BV Nhân dân 115, có tuần tiếp nhận hàng chục ca thủng tim. Trường hợp mới nhất là anh L.Đ.N (35 tuổi), chạy xe ôm, thuê nhà tại quận 7. Gia đình cho biết N. có những vấn đề bất đồng với một người cùng khu dân cư. Buổi chiều xảy ra xung đột, anh bị đâm bằng kéo thấu ngực trái, thủng tim. N. được chuyển đến BV Nhân dân 115. Các bác sĩ ở đây đã khẩn trương mổ cấp cứu vá lỗ thủng tim mới giữ được mạng sống của anh.
Cũng có những trường hợp thủng tim mà nạn nhân không hề hay biết. Tại BV Chợ Rẫy, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công 2 trường hợp thủng tim do tai nạn giao thông mà sau hàng chục năm mới được phát hiện.
Cách đây 17 năm, anh N.Q.T (SN 1979) bị té đập ngực trái vào thành cầu, chỉ đau nhói nhẹ ở tim và không đến BV khám. Mới đây, anh bị đau ngực trái, đến khám tại BV Chợ Rẫy thì các bác sĩ phát hiện bị giả phình thất trái vùng mỏm ở tim nên đã phẫu thuật cắt bỏ túi này và vá lại vết thủng tim. Trường hợp thứ hai chị N.T.Tr (SN 1989), bị xe máy tông dập gan, vỡ xương hàm khi đang học lớp 10. Tuy nhiên, việc chẩn đoán tổn thương tim đã bị bỏ qua nên chị hay bị mệt và nhói tim… Sau một thời gian khá dài, Tr. mới được đưa vào BV Chợ Rẫy. Các bác sĩ đã cắt bỏ túi phình, thay đoạn mạch máu nhân tạo cho đoạn bị vỡ và sức khỏe của chị đã bình thường trở lại.
Theo GS-BS Phạm Thọ Tuấn Anh, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim BV Chợ Rẫy, những trường hợp chấn thương dẫn đến giả túi phình như trên là rất khó phát hiện tổn thương ngay sau thời điểm tai nạn do không có biểu hiện rõ ràng. Cả 2 bệnh nhân nếu không được can thiệp kịp thời thì khó bảo toàn tính mạng.
Mong manh sinh tử
Giới chuyên môn cho biết tim là một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể con người, hoạt động liên tục không nghỉ. Cơ quan đặc biệt này được xem như một máy bơm sinh học, có nhiệm vụ bơm máu động mạch tới tất cả cơ quan trong cơ thể và hút máu tĩnh mạch trở về tim. Vì một lý do nào đó mà bộ phận này tổn thương thì sinh mạng con người giống như “ngọn đèn dầu trước gió”.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, vết thương ở tim là chấn thương đặc biệt nghiêm trọng gây mất máu cấp, nhanh chóng đe dọa đến sinh mạng người bệnh nếu không được can thiệp kịp thời. Bác sĩ Cao Văn Thịnh, Trưởng Khoa Lồng ngực - Mạch máu BV Nhân dân 115, cho biết vết thương tim và mạch máu lớn luôn là thách thức lớn trong cấp cứu ngoại khoa. Ngoài những tổn thương giải phẫu (vị trí, kích thước, tính chất vết thương...) thì thời gian từ lúc tổn thương đến khi người bệnh được cấp cứu có ý nghĩa quan trọng. Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong trên đường vận chuyển. Ngay tại BV, việc phối hợp khẩn trương và nhịp nhàng giữa các khoa như cấp cứu, gây mê hồi sức, cận lâm sàng, ngoại lồng ngực - mạch máu... cũng đóng vai trò quan trọng.
Thời gian cấp cứu là vàng
Tai nạn dẫn đến thủng tim là điều không ai mong muốn. Song, các bác sĩ cho rằng nếu chẳng may bị tổn thương tim (do tai nạn, bị đâm…) thì điều quan trọng nhất là đưa nạn nhân đi cấp cứu càng nhanh càng tốt. Có những trường hợp đâm thủng tim nguy kịch, nếu chỉ chậm 5 phút, bệnh nhân sẽ tắt thở. Bộ Y tế đã ban hành quy trình “cấp cứu tối khẩn cấp”, giúp bệnh nhân từ lúc nhập viện đến khi được phẫu thuật chỉ mất 5-10 phút.
Bình luận (0)