Theo Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thuốc giải độc cho 2 bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay là loại thuốc hiếm, đã được vận chuyển từ Thái Lan về Việt Nam. Thuốc có tên Botulism antitoxin heptavalent (BAT) có tác dụng giải độc tố do vi khuẩn Clostridium botulinum gây ra có giá là 8.000 USD (khoảng 190 triệu đồng) do Canada sản xuất, hạn sử dụng 8 năm.
Theo bác sĩ Nguyên, đây là loại thuốc rất hiếm do bệnh lý này ít khi xảy ra nhưng đã xảy ra thì thường bệnh cảnh rất nặng. Những trường hợp nặng cần phải có thuốc đặc hiệu. "Thuốc BAT nằm trong nhóm thuốc hiếm được gọi là "thuốc mồ côi". Các công ty sản xuất thuốc giải độc này không có lãi, không muốn kinh doanh, chỉ số ít công ty sản xuất khi có chỉ thị của chính phủ, của nhà nước" - bác sĩ Nguyên chia sẻ chiều 1-9.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc
Để nhập được 2 lọ thuốc quý, suốt nhiều ngày trước đó, bệnh viện được sự giúp đỡ tích cực của Bộ Y tế, Cục Quản lý dược, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Thái Lan, WHO tại Việt Nam... Hai bệnh nhân nhập viện ngày 18-8 trong tình trạng nguy kịch, đến chiều ngày 29-8, bệnh viện đã nhận được 2 lọ thuốc giải độc đặc hiệu Clostridium Botulinum. Toàn bộ chi phí của thuốc này do WHO tài trợ.
"Thái Lan có không quá 10 lọ và họ đã chuyển cho chúng ta 2 lọ qua đường hàng không (máy bay chở hàng) trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 rất khó khăn về mặt thủ tục. Khi về tới tay các bác sĩ, thùng thuốc rất to, đựng 2 lọ thuốc nhỏ. Thùng thuốc có ngăn bảo quản lạnh theo quy định giống như bảo quản vắc-xin hay các sinh phẩm y tế; có cách nhiệt, có nhiệt kế bên trong để kiểm soát, theo dõi nhiệt độ. Đến nay, thùng thuốc vẫn mát lạnh dù được nhập về từ tuần trước"- bác sĩ Nguyên nói.
Hai lọ thuốc giải độc có giá 8.000 USD/lọ
Theo bác sĩ Nguyên, bệnh nhân được dùng thuốc ngay sau đó. Sau dùng thuốc, sức khỏe bệnh nhân nữ (người vợ, 68 tuổi ở Hà Nội) đang có tiến triển tốt, bệnh nhân đã tự ngồi dậy, mở mắt, há miệng bình thường. Bệnh nhân hiện vẫn liệt cả tay chân, phải thở máy nhưng đã qua cơn nguy kịch và vẫn đang tiếp tục được theo dõi.
Với bệnh nhân nam (70 tuổi) vẫn đang thở máy và tiếp tục theo dõi. "Thuốc giải độc rất hiệu quả. Chúng tôi hy vọng thuốc sẽ giúp rút ngắn thời gian thở máy và những ảnh hưởng của chất độc với sức khỏe người bệnh"- bác sĩ Nguyên bày tỏ.
Chia sẻ thêm về việc cấp cứu bệnh nhân ngộ độc, PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng về nguyên tắc, khi đã nghi ngờ ca bệnh ngộ độc, phải dùng ngay thuốc kháng độc tố để nhanh chóng loại bỏ độc tố mà không cần chờ kết quả xét nghiệm.
Bệnh nhân ngộ độc sau ăn pate Minh Chay vẫn rất nặng dù đã được sử dụng thuốc đặc hiệu
PGS Cường cho biết thuốc BAT được chế phẩm từ huyết thanh ngựa (tiêm giải độc tố vào ngựa sau đó lấy huyết thanh ra để bào chế). Thuốc cũng có những tác dụng phụ. Liều dùng khác nhau phụ thuộc đối tượng (như người lớn/trẻ em (từ 1-17 tuổi) hay trẻ dưới 1 tuổi). Về hiệu quả của thuốc, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc giúp giảm thời gian nằm viện, điều trị, giảm tỉ lệ tử vong, giảm chi phí.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết vi khuẩn Clostridium botulinum là loại vi khuẩn yếm khí, thường trong thực phẩm đóng kín trong chai lọ, túi… vi khuẩn phát triển sinh ra độc tố, đặc biệt ảnh hưởng, tổn thương thần kinh, gây liệt cơ, đặc tính gây liệt nặng nề, kéo dài, có thể phải thở máy nhiều tháng, trong thời gian đó bệnh nhân có thể sẽ tử vong. Chất độc này rất mạnh, gắn chặt đến dây thần kinh, gây liệt tất cả các cơ, liệt vùng đầu, mặt, cổ, lan xuống tay, chân.
Thời gian ủ bệnh từ 12-34 tiếng, người bệnh sẽ có biểu hiện bất thường, nhưng cũng có người 8 ngày mới có triệu chứng. Biểu hiện của bệnh là đau họng, khó nói, khó nuốt, sụp mi, mắt không mở được to, yếu tay, yếu chân, không có rối loạn cảm giác, 50% người bệnh có đồng tử giãn. Để bệnh nhân hồi phục được phải mất rất nhiều thời gian, bởi tổn thương cũ không hoạt động được nữa mà phải tái tạo lại.
Bình luận (0)