Khảo sát vào tháng 8-2022 của báo VietnamPlus cho thấy, 70% độc giả cho rằng giảm tác hại thuốc lá là quan trọng và có nhu cầu chuyển đổi qua các sản phẩm thay thế có khả năng giảm tác hại so với thuốc lá điếu nếu điều đó tốt cho bản thân và cộng đồng.
Cần phối hợp liên ngành để quản lý
Cần biết thêm, Việt Nam hiện nay có 17 triệu người hút thuốc lá điếu (sản phẩm được xếp loại gây hại bậc nhất, theo WHO) và dịch chuyển từ top 15 lên top 9 các quốc gia có tỉ lệ hút thuốc cao nhất thế giới.
Quan sát cho thấy chìa khóa thành công của chính phủ các quốc gia như Mỹ, Anh, Thuỵ Điển, Na Uy, Nhật Bản… khi tiến hành xây dựng khung pháp lý và cấp phép thương mại hóa thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) chính là sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan đa ngành, chấp nhận quan điểm đối lập nhưng thống nhất giải pháp, phối hợp với nhau từng bước hoàn thiện năng lực quản lý. Nhờ vậy các quốc gia này đã đạt những thành công nhất định với chiến lược giảm tác hại, từ việc giảm mức tiêu thụ thuốc lá nói chung đến chỉ số sức khỏe của người dân liên quan đến các bệnh do thuốc lá gây ra trong hơn một thập kỷ qua.
Tại Nhật Bản, các sản phẩm TLTHM được quản lý bởi Bộ Tài chính, và phối hợp với Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thiết lập các quy định chi tiết về tiêu chuẩn sản phẩm.
Tại Philippines, Bộ Thương mại và Công nghiệp được trao thẩm quyền quản lý các sản phẩm TLTHM cùng các thiết bị đi kèm. Bộ Y tế ra quy định hướng dẫn về việc thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức hạn chế hút thuốc và sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT).
Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia đánh giá vấn đề quản lý TLTHM là cấp bách, đã đến lúc cần sửa đổi và bổ sung Nghị định 67/2013/NĐ-CP để tạo đà cho việc luật hóa TLTHM, theo sát tiến độ tháo gỡ vướng mắc pháp lý theo nghị trình của Chính phủ giải quyết trong năm 2022.
Cần sửa đổi và bổ sung Nghị định 67 nhằm tạo đà cho việc luật hóa TLTHM
Những sản phẩm TLTHM (có chứa nguyên liệu thuốc lá) phù hợp định nghĩa của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá 2012 như thuốc lá làm nóng (TLLN), thuốc lá ngậm… thì có thể đưa vào quản lý. Hành động này sẽ giảm gánh nặng cho cơ quan quản lý nhờ khung pháp lý sẵn có lẫn nguồn lực kiểm soát đã được thiết lập để quản lý ngành hàng thuốc lá truyền thống bấy lâu.
Bảo vệ giới trẻ và chặn buôn lậu: Kiểm soát nghiêm bằng luật!
Tại tọa đàm "Quản lý TLTHM - Cần góc nhìn mới" đầu năm nay, bà Nguyễn Quỳnh Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng hiện các quốc gia đi trước Mỹ, Anh, Nhật, New Zealand... đều không cấm TLTHM, vì cấm sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu khó kiểm soát.
Nhiều chuyên gia cho rằng cấm TLTHM sẽ tạo điều kiện cho thị trường chợ đen phát triển
Thay vào đó, bà Liên cho biết thêm, chính phủ các nước này chỉ cấm một số hương liệu tinh dầu, mùi vị gây thu hút giới trẻ, và ngăn chặn giới trẻ không được phép tiếp cận sản phẩm bằng nhiều biện pháp, đặc biệt các quy định kinh doanh nghiêm ngặt đối với kênh bán lẻ.
Public Health England (PHE) - cơ quan y tế cao nhất tại Anh - đã xác nhận TLĐT/TLTHM không phải là cửa ngõ khiến giới trẻ hút thuốc lá điếu thông thường. Nhiều kết quả khảo sát và bằng chứng khoa học quốc tế cũng đã khẳng định điều này.
Chính phủ Nhật Bản công bố dữ liệu khảo sát trên 60.000 học sinh cấp 2 và cấp 3 cho thấy, mức độ sử dụng TLLN trong bộ phận giới trẻ này là rất thấp, chỉ bằng 1/5 so với tỉ lệ hút thuốc lá điếu thông thường, tức chỉ có 0,1%.
Các chuyên gia cho rằng vấn đề kiểm soát TLTHM hiện nay đã trở thành câu chuyện chung của các cấp quản lý từ trung ương tới địa phương, đòi hỏi sự hợp tác liên ngành. Bên cạnh vai trò chủ quản của Bộ Công Thương, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học - Công nghệ,… dưới sự chỉ đạo của Chính phủ. Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực quản lý để kiểm soát thành công TLTHM dù bắt đầu bằng zero kinh nghiệm, khi tập trung theo sát chiến lược giảm cung - giảm cầu - giảm tác hại của WHO, và thống nhất giải pháp giữa các bộ ngành vì mục tiêu chung là nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Bình luận (0)