Thông tin trên được Chi Cục Dân số kế hoạch hóa gia đình TP HCM báo cáo tại hội nghị kỉ niệm ngày dân số thế giới (11-7) vào sáng 14-7.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, phát biểu tại hội nghị
Theo báo cáo của Chi Cục Dân số kế hoạch hóa gia đình TP HCM, tính đến cuối năm 2021, TP HCM có hơn 9,1 triệu người. Trong đó, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,74% và tỉ lệ tăng dân số cơ học là 1,3%. Tỉ suất sinh có tăng nhưng vẫn còn thấp.
Năm 2017, tỉ số nạo phát thai của TP HCM là 42,1/100 ca. Đến năm 2021, tỉ số này được kéo giảm còn 29,03/100 ca, cơ bản loại trừ phá thai không an toàn. Cùng với đó, tỉ lệ phá thai của người chưa thành niên giảm từ 2,6% (năm 2017) xuống còn 1,72% (năm 2021).
Về chất lượng dân số, tỉ lệ bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh được sàng lọc các loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến đều đạt và vượt so với chỉ tiêu. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được tăng cường, trong đó, số người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý sức khỏe tại trạm y tế tăng 7,8% (495.767 người) so với cùng kỳ năm 2021. Tuổi thọ trung bình của người dân TP ở mức khá cao - 76,2 tuổi năm 2021.
Về phân bổ dân số tại TP không đồng đều. Trong đó, mật độ dân số tại 4 quận rất cao gồm: quận 4, 10, 11, 3 và thấp nhất tại huyện Củ Chi, Cần Giờ. Các quận, huyện đông dân gồm: TP Thủ Đức (hơn 1,2 triệu người), Bình Tân và Bình Chánh (hơn 700 ngàn dân), quận 12 và Gò Vấp (hơn 600.000 dân), Bình Thạnh và Hóc Môn (hơn 500.000 dân), các quận, huyện còn lại dưới 500.000 dân.
TP HCM có dân số đông, mật độ dân số cao, biến động dân cư lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh, các vấn đề về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh… là những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về dân số.
Bên cạnh đó, người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng khi tham gia tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn. Tình trạng nạo phá thai có giảm nhưng vẫn còn cao. Ngoài ra, vấn đề chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn hạn chế, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa bắt kịp với tốc độ già hóa dân ngày càng tăng.
Phát biểu tại hội nghị, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết nếu không làm tốt về công tác dân sẽ ảnh hưởng lâu dài về sau. Qua báo cáo của đơn vị, có 1 số chỉ tiêu đảm bảo, duy trì. Tuy nhiên, đề nghị Chi cục dân số kế hoạch hóa gia đình sau dịch có sự biến động dân sự nên rà soát lại đội ngũ để đảm bảo chất lượng, năng lực, trình độ kiến thức về dân số.
Bác sĩ Hưng yêu cầu cần phải phân loại các nhóm chỉ tiêu, không chỉ là khảo sát để có số liệu mà cần sâu sát hơn. Cụ thể như về tỉ lệ sàng lọc trước sinh không chỉ là con số mà cần phải chú trọng đến kết quả đạt được như nhờ sàng lọc trước sinh phát hiện bao nhiêu trẻ có vấn đề, được tư vấn, điều trị như thế nào… Về khám sức khỏe tiền hôn nhân phải tính con số đến các cơ sở y tế khám thực tế chứ không chỉ sau khi được tư vấn. "Nếu tư vấn xong họ không đi khám thì không có ý nghĩa gì. Bên cạnh đó, cần phải phân tích xem lý do vì sao và cần có giải pháp tạo điều kiện cho cặp vợ chồng trước khi kết hôn được khám sức khỏe" – bác sĩ Hưng nói.
Bình luận (0)