Ngày 28-1 là ngày đầu tiên diễn ra đợt 2 tiêm chủng vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim trên địa bàn TP HCM. Tại các điểm tiêm chủng, không còn cảnh các bậc cha mẹ thức đêm vật vã hay chen lấn để có được một mũi vắc-xin cho con như đã từng xảy ra trong lần tiêm chủng đợt 1 cách đây không lâu.
Hết sợ thiếu vắc-xin
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhờ áp dụng hình thức hẹn giờ tiêm qua tổng đài 1080 nên tình hình tiêm chủng tại TP HCM trong ngày đầu tiên diễn ra khá trật tự.
Bệnh viện (BV) Từ Dũ là một trong những đơn vị nhận được lượng vắc-xin lớn nhất đợt này với 2.000 liều. BV nhận đăng ký tiêm tối đa 100 bé/ngày, tiêm hằng ngày (trừ thứ bảy, chủ nhật và những ngày nghỉ Tết). BV Nhi Đồng 1 cũng có số lượng vắc-xin toàn đợt là 2.000 liều, mỗi ngày tiêm 90 liều và sẽ tiêm cho đến khi nào hết vắc-xin.
Theo bác sĩ Huỳnh Xuân Nghiêm, Phó Giám đốc BV Hùng Vương, đợt này BV nhận tổng cộng là 1.900 liều, trong đó 790 liều đã về đến BV. Dự kiến, BV triển khai tiêm vào đầu tuần tới, mỗi ngày nhận đăng ký 100 liều. Còn tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, giám đốc trung tâm, cho biết đơn vị này nhận 400 liều, trong đó 100 liều đầu tiên sử dụng hết trong 2 ngày 28 và 29-1.
Tại 2 điểm tiêm chủng vắc-xin lớn của TP là Viện Pasteur và Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, hoạt động tiêm chủng vắc-xin dịch vụ Pentaxim đã trở thành thường quy, không có gì bất thường. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, cho biết đơn vị này cũng nhận được 900 liều và bắt đầu tiêm vào sáng 28-1, mỗi ngày 50 suất tiêm. Ở đợt 1 trước đó, trung tâm đã phân bổ hơn 1.000 liều và đã giải quyết hết cho người dân. PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur, cũng cho hay viện sẽ phục vụ hết mình cho nhu cầu người dân.
“Nhu cầu tới đâu, Viện Pasteur cung ứng tới đó, không còn thiếu vắc-xin” - ông Lân khẳng định.
Theo PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, tổng số vắc-xin Pentaxim đợt này của TP là 12.550 liều, phân bổ cho 73 cơ sở tiêm chủng. Để công tác tiêm chủng diễn ra đúng quy trình và bài bản, Sở Y tế cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức tập huấn cho các cơ sở tiêm chủng về quy trình tiếp nhận đăng ký qua tổng đài 1080 và báo cáo hoạt động tiêm chủng hằng ngày thông qua phần mềm được thiết kế riêng.
Sở cũng chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng đăng ký lịch tiêm chủng theo năng lực hằng ngày của mình; đồng thời chủ động giám sát, theo dõi sau tiêm chủng, bố trí thời gian phù hợp, không để tình trạng xếp hàng, tập trung đông người tại cơ sở.
Khuyến khích tiêm Quinvaxem
Cũng trong ngày 28-1, song song với tiêm vắc-xin dịch vụ, khá đông phụ huynh đưa con đi tiêm vắc-xin miễn phí Quinvaxem theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Tại BV Từ Dũ, trong sáng 28-1, rất nhiều phụ huynh đưa con đến tiêm vắc-xin Quinvaxem. Trong khi đó, tại BV Hùng Vương, số lượng trẻ được phụ huynh đưa đến tiêm loại vắc-xin miễn phí này cũng khá đông, khoảng 100-200 trẻ/ngày.
Theo các chuyên gia, người dân nên cân nhắc giữa việc tiêm vắc-xin dịch vụ Pentaxim và vắc-xin Quinvaxem khi loại này được tiêm miễn phí. Cho đến nay, tại TP HCM vẫn chưa ghi nhận phản ứng nặng hay tai biến đáng kể nào sau tiêm Quinvaxem.
PGS-TS Phan Trọng Lân cho biết hiện nay, Viện Pasteur đang chích 22 loại vắc-xin phòng bệnh. Song song với việc triển khai chích vắc-xin dịch vụ, viện vẫn tổ chức tiêm vắc-xin Quinvaxem.
“Chúng tôi đã yêu cầu cán bộ tiêm chủng tư vấn cho người dân về những điểm mạnh và chưa mạnh của 2 loại vắc-xin trên để người dân hiểu và lựa chọn. Việc tư vấn đã đạt những chuyển biến tích cực khi có khoảng 25% phụ huynh đưa con đến viện với mục đích ban đầu là tiêm vắc-xin dịch vụ nhưng sau đó chuyển sang tiêm vắc-xin của chương trình tiêm chủng mở rộng” - ông Lân nói.
Tuân thủ yêu cầu của nhân viên y tế
Theo bác sĩ Huỳnh Xuân Nghiêm, để được tiêm ngừa vắc-xin Pentaxim hay các loại vắc-xin khác, phụ huynh cần chú ý tuân thủ những yêu cầu của nhân viên y tế. Khi đến tiêm, đầu tiên trẻ sẽ được thăm khám, phụ huynh cũng nhận được một bảng câu hỏi. Nên điền đầy đủ và chính xác các thông tin vào bảng câu hỏi này vì đó là cơ sở quan trọng để nhân viên y tế đánh giá tình trạng của trẻ và xác định việc tiêm ngừa vào thời điểm đó có gì bất lợi không. Sau khi tiêm, trẻ sẽ ở lại phòng chờ 30 phút để theo dõi, nếu không có vấn đề gì thì mới về nhà.
Tại nhà, phụ huynh cũng nên tiếp tục theo dõi trẻ, nhất là theo dõi hiện tượng sốt. Nếu trẻ có những biểu hiện như sốt quá cao kèm bỏ ăn, nôn ói, lừ đừ… thì nên đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Bình luận (0)