Tất nhiên, trên hết, không thể không nhắc đến vấn đề tiêm vắc-xin vốn tạo ra những luồng ý kiến đa chiều, lôi cuốn cả những người thờ ơ nhất. Có thể nói, sự âm ỉ như vỡ ra ngay khi loại vắc-xin Pentaxim dịch vụ được nhập về Việt Nam. Nó nổ bùng từ một sự việc có thật, đã được soi chiếu, minh định bằng nhãn quan khoa học của các chuyên gia y tế nhưng lại được hiểu và truyền đạt không đầy đủ, thậm chí là suy diễn hời hợt, méo mó.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, năm 2015, trong số 8 trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem, có 1 trường hợp sốc phản vệ, 7 trường hợp còn lại do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý trẻ đang mắc và tất cả không liên quan đến vắc-xin. Những con số buồn phiền này có vẻ như là giọt nước tràn ly khiến không ít gia đình tránh né Quinvaxem!
Thông cảm nhưng không hề lay chuyển, quan điểm của các chuyên gia y tế dự phòng là loại vắc-xin nào cũng có tỉ lệ phản ứng nhất định và không ai dám bảo đảm thay vắc-xin thì sẽ tránh được tai biến, tử vong. Chính Tổ chức Y tế thế giới (WHO) luôn khẳng định tỉ lệ phản ứng nặng và gây tử vong của 2 loại vắc-xin Quinvaxem (toàn tế bào) và Pentaxim (vô bào) là như nhau.
Cũng phải thừa nhận rằng vì có thành phần toàn tế bào nên các phản ứng như sốt, sưng, đau… sau khi tiêm Quinvaxem xuất hiện nhiều hơn so với một số vắc-xin vô bào nhưng bù lại, theo đánh giá của WHO, vắc-xin toàn tế bào đáp ứng miễn dịch tốt hơn vắc-xin vô bào. Mặt khác, tổ chức theo dõi sức khỏe lớn nhất toàn cầu cũng xác nhận: Tỉ lệ phản ứng sau tiêm Quinvaxem theo khuyến cáo của nhà sản xuất và WHO là 20 ca /1 triệu liều sử dụng, trong khi ở Việt Nam tỉ lệ này chỉ là 4,5 ca/1 triệu liều.
Bản chất của khoa học là khách quan, minh bạch. Những điều các nhà khoa học, chuyên gia của Bộ Y tế và WHO đưa ra trên đây có lẽ đủ để lấp chỗ trống trong kiến thức của một bộ phận dân chúng về vắc-xin nói chung và vắc-xin Quinvaxem nói riêng. Tỉnh táo, nhận thức đúng vấn đề và phản ứng nhanh trong lúc này không chỉ bảo vệ con em mình, bảo vệ cộng đồng mà còn góp phần làm dịu những “cơn sốt vắc-xin” vốn chỉ gây phiền khổ cho người dân và làm giàu cho những kẻ đầu cơ trên sức khỏe người khác!
Với tâm trạng của một bộ phận dân chúng hiện nay, thuyết phục bằng chứng lý rất đáng làm nhưng chưa đủ. Bộ Y tế cần tăng cường niềm tin qua việc tổ chức, chỉ đạo các đơn vị tiêm chủng làm thật tốt trách nhiệm của mình, từ hoạt động bảo quản, sử dụng vắc-xin; khám, sàng lọc bệnh; thao tác tiêm thuần thục đến theo dõi cấp cứu sau tiêm, nhất là trường hợp nặng; đặc biệt cần hỗ trợ thiết thực cho các trạm tiêm chủng ở vùng sâu, vùng xa…
Bình luận (0)