Một nghiên cứu vừa được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Ung thư phụ khoa Mỹ tổ chức tại New Orleans cho thấy nhiều bậc cha mẹ vẫn tin rằng bé trai không cần thiết chủng ngừa vắc xin HPV. Đồng thời, chính các nhà cung cấp vắc-xin không chú trọng việc giúp bé trai tiếp cận nó.
Vắc-xin ngừa HPV không chỉ chống lại ung thư cổ tử cung mà còn có tác dụng với nhiều loại ung thư nguy hiểm khác gặp ở nam giới - ảnh: CERVICAL CANCER NEWS
Vắc-xin HPV thường được nhiều người biết đến như vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung, nhưng trên thực tế nó còn chống lại các dạng ung thư âm đạo, hậu môn, miệng và cổ họng. Trong đó, ung thư miệng - họng do HPV là dạng ung thư đang có chiều hướng gia tăng ở nam giới ngày nay.
Theo nghiên cứu nói trên, ngay cả tại Mỹ, nơi các nhà chức trách nhiều lần cảnh báo rằng bé trai cũng rất cần được chủng ngừa HPV, số lượng bé trai được chủng ngừa cũng ít hơn bé gái. Thống kê gần nhất vào năm 2016 cho thấy có 65% bé gái đã được chủng ngừa vắc-xin này và ngày một gia tăng, trong khi ở bé trai chỉ là 56%. Vắc-xin HPV được Mỹ chấp thuận sử dụng cho trẻ gái vào năm 2006 và cho trẻ trai vào năm 2009.
Ở nhiều quốc gia khác, việc chủng ngừa HPV cho bé trai thậm chí là khái niệm hoàn toàn xa lạ, bởi nó chỉ được biết đến là vắc-xin ngừa ung thu cổ tử cung.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tất cả các bé trai và bé gái độ tuổi từ 11-12 đều nên được tiếp cận với vắc-xin ngừa HPV.
10% phụ huynh có con trai và 20% phụ huynh có con trai phản ánh rằng con họ chưa được chích vắc-xin này do không hề nghe bác sĩ yêu cầu chích. Theo tiến sĩ Anna Beavis, Đại học John Hopkins, thành viên nhóm nghiên cứu, vấn đề mấu chốt ở đây vẫn là các bác sĩ phải đưa ra khuyến cáo mạnh mẽ cho các bậc phụ huynh, cho dù con học là con trai hay con gái.
Bình luận (0)