Thạc sĩ - bác sĩ (ThS-BS) Trần Thanh Tài, Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết ở một số người bệnh, tình trạng mất mùi vị kéo dài ngay cả khi đã khỏi bệnh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.
Khổ vì di chứng dai dẳng
Anh N.M.T (20 tuổi, ngụ tại TP HCM) là nhân viên pha chế nước hoa. Anh mắc Covid-19 và đã khỏi nhưng triệu chứng mất mùi kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc. Qua thăm khám tại Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, anh T. được các BS đánh giá tình trạng mất mùi ở mức độ nặng. T. được chỉ định sử dụng thuốc corticoid tại chỗ (mũi) và toàn thân, kết hợp với một số thuốc hỗ trợ khác; hướng dẫn bài tập ngửi mùi tại nhà (3 lần/ngày, mỗi lần khoảng 20 giây). Sau gần 4 tuần, khứu giác của anh dần cải thiện và đã hồi phục hoàn toàn sau 2 tháng điều trị.
Theo ThS-BS Trần Thanh Tài, một nghiên cứu tổng hợp tại châu Âu đã ghi nhận khoảng 53% người mắc Covid-19 có thay đổi (mất hoặc giảm) mùi vị. Riêng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, tỉ lệ này là khoảng 70%. Trung bình mỗi tháng, bệnh viện tiếp nhận khoảng 150 trường hợp người bệnh sau khi mắc Covid-19 có các vấn đề về khứu giác, vị giác.
Khám bệnh cho người từng mắc Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM
Về mặt nguyên nhân, các nghiên cứu cho thấy virus SARS-CoV-2 liên kết với một protein gọi là ACE2 được tìm thấy trên tế bào chủ thể. ACE2 tập trung ở các tế bào trong mũi và miệng. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy ACE2 trên các tế bào nâng đỡ bao quanh tế bào thần kinh khứu giác ở mũi và các tế bào trong nụ vị giác ở lưỡi. Sự tổn thương các tế bào này dẫn đến phản ứng viêm và tổn thương thần kinh dẫn đến rối loạn mùi vị.
"Triệu chứng giảm hoặc mất mùi vị có thể xuất hiện sớm và thường là triệu chứng ban đầu của người mắc Covid-19. Không ít trường hợp tình trạng mất mùi vị kéo dài ngay cả khi đã khỏi bệnh, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nhất là trường hợp người bệnh làm các công việc như đầu bếp, sản xuất nước hoa, thử rượu… Tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới các vấn đề về dinh dưỡng, trầm cảm, lo âu…" - BS Tài giải thích.
Hiệu quả với y học cổ truyền
Theo các BS, dù chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu để thay đổi mùi vị ở người mắc Covid-19 nhưng các bài tập khứu giác (tập ngửi), sử dụng thuốc corticoid, thuốc tái tạo thần kinh… được chứng minh có hiệu quả và đang tiếp tục được giới chuyên môn y khoa nghiên cứu, bàn luận.
BS CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh(TP HCM), cho biết người sau khi mắc Covid-19 thường có những triệu chứng tai mũi họng kéo dài, phổ biến nhất là ho dai dẳng, hắng giọng, mất vị giác và khứu giác, ù tai… Tình trạng ho và hắng giọng liên tục có thể liên quan đến phổi bị tổn thương sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc do dịch chảy từ mũi xuống thành sau họng (hội chứng chảy dịch mũi sau) khiến cổ họng luôn có cảm giác ngứa, khó chịu và gây ra các cơn ho không ngừng.
Một nguyên nhân khác là người bệnh khi mới nhiễm virus SARS-CoV-2 thường có các cơn ho khan liên tục, khiến áp lực dạ dày tăng lên. Axít từ dạ dày trào ngược lên vùng họng, thanh quản và gây tổn thương niêm mạc họng thanh quản, gây cảm giác vướng họng, ho và rối loạn giọng.
"Tình trạng viêm và phù nề niêm mạc mũi đã ngăn cản mùi hương tiếp xúc các tế bào thần kinh khứu giác, cũng như virus SARS-CoV-2 gây tổn thương khu vực xung quanh tế bào cảm nhận mùi là những nguyên nhân gây ra tình trạng mất khứu giác hay rối loạn khứu giác. Mất khứu giác và vị giác thường sẽ tự hồi phục mà không cần can thiệp điều trị. Một số trường hợp rối loạn khứu giác có thể được bác sĩ hướng dẫn phương pháp tập phục hồi từ 3 đến 6 tháng, có khi 1 năm, tùy khả năng đáp ứng điều trị của từng bệnh nhân" - BS Hằng thông tin.
BS CKII Nguyễn Kỳ Xuân Nhị, Phó Khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Y học Cổ truyền TP HCM, khuyên những trường hợp sau khi khỏi Covid-19 mà bị mất mùi vị kéo dài cần sớm tham vấn ý kiến từ BS. Thực tế cho thấy không ít bệnh nhân bị mất mùi vị kéo dài đã cải thiện được tình trạng này sau khi sử dụng các phương pháp điều trị của y học cổ truyền, như: dùng thảo dược, các bài thuốc thang, thuốc thành phẩm, tùy vào điều kiện cho phép có thể phối hợp với châm cứu, nhĩ châm, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt, dưỡng sinh…
Bình luận (0)