Sáng 25-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) phát cảnh báo về dịch bệnh Chikungunya (viết tắt là CF: Chikungunya Fever) đang bùng phát lan rộng tại Campuchia khiến hàng ngàn người mắc.
BS Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm HCDC, cho biết CF là bệnh nhiễm virus Chikungunya do muỗi Aedes (muỗi vằn) truyền bệnh gây nên. Tính đến ngày 6-8, dịch đã bùng phát và lan rộng khắp 15 tỉnh/thành của Campuchia với khoảng 1.700 trường hợp mắc, trong đó có những tỉnh giáp với Việt Nam như Tbong Khnum, Ta Kheo, Kampot.
Đến nay, CF đã gây ra một số trận dịch lớn tại châu Phi và châu Á. Tại Việt Nam, CF cũng đã được phát hiện từ năm 1975.
Cách phòng chống bệnh do virus Chikungunya giống như phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Bệnh CF chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cũng như vắc-xin phòng ngừa. Bệnh có biểu hiện lâm sàng tương tự nhiễm sốt xuất huyết Dengue. Nhiễm CF rất hiếm gây tử vong nhưng có hiện tượng kéo dài thời gian bệnh và làm giảm chất lượng sống.
Hiện nay, chưa ghi nhận trường hợp nhiễm virus Chikungunya tại TP HCM. BS Hồng Nga lưu ý cách phòng bệnh này cũng giống như phòng chống sốt xuất huyết.
Mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở hãy chung tay thực hiện các biện pháp phòng bệnh CF cũng như sốt xuất huyết như dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi (lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa...); đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.
Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng. Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt. Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn… thì cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Bình luận (0)