Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết thông tin trên tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP chiều 24-2.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM thông tin tại buổi họp báo chiều 24-2
Thông tin về việc sử dụng Molnupiravir khi mới đây Bộ Y tế cấp phép cho 3 công ty dược sản xuất và bán đại trà thuốc này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết thời gian qua, bộ đã nỗ lực cùng các công ty dược hoàn thành cấp phép sản xuất thuốc và thống nhất giá bán đưa ra thị trường.
Theo bà Mai, những sản phẩm thuốc kháng virus đang nằm tại các cửa hàng bán lẻ thuốc trên địa bàn TP HCM. Đây là thuốc kháng virus và hiện các nhà thuốc đã đủ điều kiện để kinh doanh.
"Đây là thuốc đặc biệt phải thực hiện theo kê đơn, bác sĩ phải chẩn đoán bệnh mới được sử dụng chứ không phải test dương tính SARS-CoV-2 là có thể ra mua dùng. Do đó, để giải quyết khâu này, Sở Y tế TP HCM đã có công văn gửi Bộ Y tế xin hướng dẫn về việc kê đơn cho bệnh nhân Covid-19. Thời gian tới, bộ sẽ có hướng dẫn để cung cấp thuốc cho người dân" - bà Mai nói.
Nhiều phóng viên thắc mắc về việc hôm nay, một số nhà thuốc tại TP HCM đã chính thức bán Molnupiravir trị Covid-19, như vậy theo quy định có đúng hay không? Bà Mai cho rằng hiện đã có đầy đủ thuốc rồi, việc kinh doanh phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với thông tin này, Sở Y tế TP HCM sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và nhắc nhở
Thông tin thêm về điều kiện để mua thuốc Molnupiravir, bà Mai cho biết phải là người mắc Covid-19 có chỉ định, kê đơn của bác sĩ mới được uống. Bác sĩ kê đơn có thể là bác sĩ tại trạm y tế, bệnh viện tư nhân, bệnh viện công lập… Tuy nhiên, khi kê đơn, bác sĩ phải chịu trách nhiệm.
"Việc quản lý thuốc chặt chẽ là nhằm bảo vệ sức khỏe người dùng, đặc biệt là tránh tình trạng sử dụng thuốc không đúng chỉ định dẫn đến kháng thuốc. Nếu kháng thuốc sẽ khiến quá trình điều trị khó khăn và ảnh hưởng tới "vũ khí" cuối cùng chống lại Covid-19" – bà Mai nhấn mạnh.
Bà Mai cho biết thời gian qua, TP HCM có hơn 2.500/6.000 nhà thuốc cùng đồng hành, tư vấn, kết nối với Trung tâm Y tế, Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động để cung ứng thuốc và chăm sóc F0 tại nhà. Thời gian tới, ngành y tế sẽ tận dụng những nhà thuốc này để hỗ trợ người dân là F0 có nhu cầu sử dụng thuốc.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết hiện thành phố đã tiêm mũi 3 (mũi bổ sung và nhắc lại) đạt 69,6%. Mũi 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi đạt 81,7%. Thành phố đang trong kế hoạch tiêm chủng mùa xuân giai đoạn 2 và sẽ kết thúc vào ngày 28-2.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết hiện thành phố tiêm mũi 3 (mũi bổ sung và nhắc lại) đạt 69,6%
Lý giải vì sao trong 7 ngày có hơn 6.000 trẻ mắc Covid-19 - chênh lệch với số liệu của Bộ Y tế, ông Tâm giải thích số trẻ mắc trong trường hầu hết được thực hiện test nhanh. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Y tế, để công nhận là F0 thì phải qua kết quả PCR hoặc test nhanh dương tính phải có yếu tố dịch tễ, có triệu chứng. Do đó, có sự chênh lệch về số ca F0 của TP HCM với Bộ Y tế.
Ông Tâm nhấn mạnh: "Dù là ca nghi ngờ nhưng sau khi test nhanh, các trường hợp này vẫn được xử trí như F0 để kịp thời khống chế sự lây lan, đồng thời chăm sóc kịp thời nếu là ca bệnh".
Thông tin thêm về 70 ca cộng đồng vừa được ghi nhận, ông Tâm cho biết đây là kết quả khảo sát ngẫu nhiên được thực hiện tại Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. "Hiện tại TP HCM có 2 cửa khẩu chính là sân bay Tân Sơn Nhất và Cảng Sài Gòn. Ngoài 2 cửa khẩu này, nhiều người còn nhập cảnh qua cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh hoặc từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung. Tuy nhiên, qua theo dõi biến chủng Omicron chưa cho thấy sự nguy hiểm so với Delta trước đây" – ông Tâm nói.
Cũng tại buổi họp báo, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm là học sinh gia tăng. Tuy nhiên, ngành giáo dục vẫn triển khai dạy học trực tiếp, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Sở GD-ĐT đã triển khai, hướng dẫn các trường thực hiện các quy định mới của Bộ Y tế, UBND TP HCM về kiểm soát dịch bệnh trong nhà trường.
Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Sở GD-ĐT TP HCM, việc chuyển đổi hình thức dạy học sẽ gây nhiều khó khăn cho nhà trường, giáo viên và học sinh.
Theo ông Trọng, các trường vẫn phải dạy học trực tiếp song song với dạy học trực tuyến. Bởi khi dạy học trực tiếp sẽ có những học sinh vì nhiều lý do (F0, F1, phụ huynh chưa đồng thuận cho trẻ đến trường), trường phải duy trình trực tuyến để dạy cho những em này.
"Việc chuyển đổi hình thức dạy học sẽ gây ra nhiều khó khăn cho nhà trường, giáo viên và cả học sinh. Bên cạnh đó, sẽ có sự chênh lệch chất lượng giữa học trực tuyến và trực tiếp. Sở đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục cần quan tâm đến những em phải học trực tuyến. Trước khi đến trường học trực tiếp trở lại, phải rà soát, bổ sung kiến thức cho những em này" - ông Trọng nhấn mạnh.
Liên quan vấn đề kit test cho các trường, ông Trọng cho biết Sở Y tế và Sở GD-ĐT đang phối hợp với nhau để trang bị, cung cấp số lượng cho các cơ sở giáo dục công lập nhằm giảm bớt khó khăn cho các trường.
Bình luận (0)