Sáng 21-3, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM) cho hay vừa phẫu thuật thành công niệu quản cho một người đàn ông đi tiểu ra máu thường xuyên.
Bệnh nhân là ông P.T.L (50 tuổi) bị tiểu máu tái đi tái lại hơn 1 năm nay, có những đợt tiểu máu tươi, máu cục như tiết canh. Gần đây, ông bị đau hông lưng trái liên tục nên đến bệnh viện. Kết quả kiểm tra chẩn đoán cho thấy ông bị ung thư niệu mạc thận trái.
Các bác sĩ đang phẫu thuật cho người đàn ông tiểu ra máu
Mặc dù bàng hoàng với kết quả bệnh tật nhưng ông vẫn đồng ý thực hiện phẫu thuật nội soi 3D cắt thận và niệu quản. Sau mổ, ông chỉ nằm viện 3 ngày là xuất viện.
Theo TS-BS Nguyễn Hoàng Đức, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, toàn bộ thận, niệu quản và bàng quang được lót bởi lớp tế bào gọi là niệu mạc. Khi lớp lót này bị bướu thì gọi là bướu niệu mạc, có thể xảy ra ở thận, niệu quản hoặc bàng quang. 95% các bướu niệu mạc thận-niệu quản là ung thư.
Ung thư niệu mạc thận - niệu quản hay gặp nhất ở lứa tuổi trên 65. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư niệu mạc gấp 3 lần. Triệu chứng chủ yếu của bệnh là tiểu máu, gặp ở 75% trường hợp. Khoảng 20% người bệnh có triệu chứng đau một bên hông lưng.
Phương tiện chẩn đoán hình ảnh tốt nhất để phát hiện ung thư niệu mạc thận niệu quản là chụp CT hệ tiết niệu có khả năng xác định chính xác 90% các khối u khoảng 5 mm. Tất cả ung thư niệu mạc thận/niệu quản đều phải điều trị bằng mổ cắt toàn bộ thận và toàn bộ niệu quản.
Hiện nay phẫu thuật này được điều trị nội soi 3 chiều, giúp phẫu thuật viên quan sát rõ và chi tiết hơn so với phẫu thuật nội soi 2 chiều kinh điển. Nhờ đó ít gây mất máu, lấy được các hạch bạch huyết quanh rốn thận đánh giá chính xác giai đoạn ung thư nhằm có biện pháp điều trị bổ túc phù hợp sau mổ, tránh tái phát bệnh.
"Để phát hiện sớm bướu niệu mạc, quan trọng nhất là khám sức khoẻ định kỳ thường xuyên", BS Đức khuyến cáo.
Bình luận (0)