Tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM chiều 4-1, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết TP vừa phát hiện thêm 1 ca nhiễm biến chủng Omicron.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM thông tin tại buổi họp báo
Ca bệnh này là tiếp viên hàng không, người Đài Loan. Người này được cách ly ngay sau khi nhập cảnh và được phát hiện dương tính SARS-CoV-2 sau 1 ngày cách ly. Ngay sau đó, trường hợp này được đưa đến Bệnh viện dã chiến số 12 (TP Thủ Đức, TP HCM) tiếp tục cách ly, điều trị.
Như vậy, TP HCM đã phát hiện tổng cộng 6 trường hợp mắc Covid-19 do biến chủng Omicron. Tất cả đều được cách ly theo quy định.
Liên quan đến việc cấp phép thuốc điều trị Covid-19, cũng tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM cho biết việc cấp phép do Bộ Y tế ban hành nên sẽ chờ thông tin từ bộ.
Bà Mai cũng cho biết thêm, hiện TP còn 7.000 liều thuốc kháng virus (gói thuốc C). Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục xin thêm Bộ Y tế 25.000 liều để đáp ứng trong trường hợp nếu như nhu cầu sử dụng thuốc tăng cao. "Như vậy, thuốc kháng virus cho F0 không thiếu" - bà Mai khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM chia sẻ thông tin tại buổi họp báo
Thông tin thêm về tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn TP, bà Mai cho biết từ đầu tháng 12-2021, Sở Y tế đã thực hiện tái cấu trúc các bệnh viện điều trị Covid-19, phân bổ khoa, phòng hợp lý.
"Hiện TP còn 13 bệnh viện dã chiến với sức chứa 22.000 giường. Số lượng này có thể sẵn sàng đáp ứng nếu có tình huống xấu xảy ra. Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng thành lập bệnh viện dã chiến với quy mô 8.000 giường. Như vậy, với hệ thống điều trị TP đã phân chia hệ thống theo cụm để đảm bảo việc chuyển viện theo khu vực phù hợp, kịp thời và việc này cũng đang được phối hợp giữa các đơn vị nhịp nhàng" - bà Mai nói.
Nhận định về tình hình sức khỏe của các ca nhiễm Omicron, theo bà Mai, hầu hết các ca nhiễm Omicron vừa được phát hiện trên cả nước đều gần như không có triệu chứng, hiện nay chưa thấy ca bệnh nào chuyển biến nặng.
Cũng tại buổi họp báo, bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân đánh giá thời gian qua, quận là 1 trong những điểm nóng của TP. Tuy nhiên từ đầu tháng 12 đến nay, Bình Tân có những biến chuyển khả quan, số ca bệnh giảm sâu. Ngày 20-10 quận là "vùng cam", sau đó 1 tuần chuyển thành "vùng vàng" và ngày 6-12 là quận "vùng xanh".
Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân thông tin tại buổi họp báo
Theo bà Dung, số ca dương tính được xác định bằng PCR giảm từ 42 ca/ngày ở giữa tháng 12 đến hôm qua (3-1) chỉ còn 9 ca. Hiện chỉ còn 159 bệnh nhân điều trị trong số hơn 500 giường bệnh ở 5 bệnh viện. Số tử vong và nhập viện đều giảm.
Bà Dũng cũng cho biết thêm, trải qua thời gian dài dịch bệnh, người dân đã có ý thức tốt hơn. Ngoài ra, địa phương đẩy mạnh tiêm vắc-xin cho người dân. Hiện Bình Tân tiêm được hơn 1,3 triệu mũi, trong đó mũi 2 là hơn 500.000 người trên 18 tuổi. Trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm hơn 47.000 mũi 1, hơn 43.000 mũi 2. Ngoài ra tiêm mũi 3 cho hơn 208.000 người. Trong đó, người từ 50-65 tuổi có 53.000 và trên 65 tuổi là 19.000 người.
"Quận cũng huy động bệnh viện tư, phòng khám tư tham gia chống dịch, và đặc biệt trong quý I/2022 sẽ phấn đấu tiêm đủ mũi 3 cho người dân trên địa bàn. Riêng các trường hợp không đi lại được, quận sẽ lập đội tiêm để đến nhà tiêm trực tiếp cho người dân. Hiện quận còn khó khăn vì vài trường hợp người có bệnh nền lớn tuổi chưa đồng ý tiêm. Có trường hợp bác sĩ vận động 45 phút nhưng gia đình cũng không đồng ý tiêm. Thời gian tới, quận tập trung tuyên truyền đảm bảo công tác tiêm chủng bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ" – bà Dung cho hay.
Đảm bảo xử lý tình huống thu dung, điều trị bệnh nhân
Về tình hình chăm sóc F0 trên địa bàn, bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết thời gian qua, quận đã củng cố hệ thống chăm sóc F0. Hiện quận có 22 trạm y tế lưu động và 130 tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng. "Các tổ này đang được tập huấn về chuyên môn để trường hợp nếu rút trạm y tế lưu động thì họ có thể chăm sóc F0 tại nhà. Ngoài ra, hiện mỗi phường có 1 - 2 xe cấp cứu chuyển bệnh để xử trí kịp thời với tổng số 587 giường trong đó có hơn 100 giường cấp cứu, đảm bảo xử lý tình huống thu dung, điều trị bệnh nhân trên địa bàn" – bà Dung nói.
Bình luận (0)