Chiều 30-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho hay cập nhật đến thời điểm này, TP HCM có tổng cộng 4.206 địa điểm phong tỏa trên địa bàn.
Cập nhật chỉ trong 3 ngày qua, TP HCM tăng thêm 608 điểm phong tỏa, từ 3.598 điểm lên 4.206 điểm.
Tiếp tế nhu yếu phẩm người dân khu vực bị phong tỏa (Ảnh: LÊ PHONG)
Danh sách các điểm phong tỏa trên địa bàn TP xem tại đây
Sở Y tế TP HCM cũng vừa có hướng dẫn triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà đối với người mắc Covid-19.
Theo đó, người mắc Covid-19 không triệu chứng đang chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế đủ điều kiện xuất viện vào ngày thứ 7 được tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày. Người mắc Covid-19 mới được phát hiện tại cộng đồng, không triệu chứng lâm sàng, không yếu tố nguy cơ (không có bệnh nền hoặc có bệnh nền đã điều trị ổn định, không béo phì) thì được cách ly tại nhà trong 14 ngày.
Điều kiện cách ly tại nhà, phải có phòng riêng dành cho người mắc Covid-19, có cửa sổ thông thoáng, có nhà vệ sinh riêng, có số điện thoại riêng, có sẵn số điện thoại của cơ sở y tế, số điện thoại của tổ phản ứng nhanh quận, huyện để liên hệ khi cần thiết. Có bàn hoặc ghế cá nhân đặt trước cửa phòng cách ly để nhận thức ăn và các vật dụng cá nhân cần thiết; có thùng rác cá nhân có nắp và túi rác đi kèm. Có sẵn dung dịch khử khuẩn tay và bể mặt, nước súc họng hoặc nước muối sinh lý (0,9%), khẩu trang y tế, nhiệt kế.
Có một số loại thuốc thiết yếu gồm thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng như các loại vitamin, hất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền.
Đối với trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền không tự chăm sóc cá nhân thì cần có người hỗ trợ và chăm sóc khi cách ly tại nhà. Người mắc Covid-19 có nguyện vọng, cam kết đủ điều kiện và tuân thủ các hướng dẫn khi cách ly tại nhà.
Trong trường hợp tất cả người trong hộ gia đình đều là người mắc Covid-19, có thể tự chăm sóc sức khỏe lẫn nhau thì không cần điều kiện phòng riêng cho từng cá nhân.
Gọi ngay nhân viên y tế khi có một trong các dấu hiệu sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở (khi không thể hít sâu và nín thở đủ 10 giây), khi nhịp thở >20 lần/phút.
Gọi ngay tổng đài 115 hoặc số điện thoại của tổ phản ứng nhanh quận, huyện khi có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở, thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi và đầu chi, SpO2 < 95% (nếu có dụng cụ đo SpO2 tại nhà)…
Bình luận (0)