xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trả giá đắt vì chủ quan với bệnh dại

NGUYỄN THẠNH

Khác với loại virus đi qua đường máu, virus bệnh dại đi theo dây thần kinh và một khi nó tấn công lên hệ thần kinh trung ương thì nguy cơ tử vong lên tới 100%

Mới đây, một người đàn ông 50 tuổi ở TP Hà Nội tử vong do mắc bệnh dại. Nạn nhân trước đó có tham gia giết mổ chó. Hai con chó mà người đàn ông này ra tay xẻ thịt đang khỏe mạnh và chưa được tiêm phòng dại. Tai nạn này gióng lên hồi chuông báo động về căn bệnh mà đến nay y học không có thuốc chữa và sự chủ quan trong cộng đồng.

Bác sĩ cũng thành nạn nhân

Khi tham gia giết mổ chó, nạn nhân không xác định rõ có bị chó cắn hay có vết thương khi giết mổ. Sau đó, ông xuất hiện triệu chứng đau đầu, sốt, mệt mỏi, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng kèm cảm giác khó thở, đưa đi khám thì có biểu hiện kích động, nói nhảm. Sau đó, tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng, dù được đưa vào Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai nhưng cũng không cứu được.

Trước đó không lâu, cái chết thương tâm của một nữ bác sĩ trẻ cũng là bài học đáng nhớ cho cộng đồng. Trong lúc chữa bệnh cho chú chó mà người dân đưa tới, nữ bác sĩ thú y 24 tuổi chẳng may bị chó cắn vào bàn tay phải. Cho rằng con chó bị bệnh đường hô hấp, nữ bác sĩ chỉ sơ cứu vết thương.

Bốn ngày sau, con chó chết. Do bận rộn với công việc, nữ bác sĩ lơ đãng quên tiêm phòng vắc-xin dại. Sau đó, cô bị tê bì chân tay, vai rồi lan ra toàn thân kèm khó thở, sợ gió, sợ nước…, được gia đình đưa tới bệnh viện nhưng phải xin về vì không còn cách nào cứu chữa. Hai người khác cũng bị con chó này cắn nhưng đã tiêm phòng dại và may mắn không mắc bệnh.

Chết do bệnh dại đã được cảnh báo từ lâu nhưng nhiều người vẫn coi thường, chưa nhận thức sự nguy hiểm của loại virus gây tỉ lệ tử vong đến 100% này. Đáng báo động là ngay cả những người hiểu biết về nghề y cũng chủ quan, dẫn đến mất mạng oan. "Không như những virus khác đi theo đường máu, virus dại đi theo dây thần kinh tấn công lên thần kinh trung ương, ngăn chặn hoạt động của hệ thần kinh xuống cơ thể khiến người bệnh tắc thở và tử vong. Một khi bệnh bộc phát là không còn cách nào cứu được. Đã từng có bệnh nhân phát bệnh dại sau 2-3 năm, lúc đó hoàn toàn quên mình đã từng bị chó cắn hay mèo cào" - BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP HCM, dẫn chứng.

Theo Hội Y học Dự phòng, giai đoạn 2017 - 2021, Việt Nam có 378 ca tử vong do bệnh dại tại 52/63 tỉnh, thành. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, đã có hơn 40 ca, trong đó tăng đột biến ở những địa phương vốn không phải là khu vực trọng điểm. Bệnh dại có xu hướng gia tăng tại các tỉnh miền Nam và khu vực Tây Nguyên. Cụ thể: tỉnh Bến Tre có 11 ca (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021), Kiên Giang có 5 ca (cùng kỳ năm 2021 ghi nhận 1 ca) và Gia Lai 4 ca (cùng kỳ năm 2021 không có ca nào).

Mỗi năm cả nước có gần 500.000 người bị phơi nhiễm với virus này. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy có hơn 59.000 người chết mỗi năm do bệnh dại, chủ yếu là chó cắn.

Trả giá đắt vì chủ quan với bệnh dại - Ảnh 1.

Chó, mèo dù đã được tiêm ngừa cũng không chắc chắn phòng bệnh dại 100% nên con người không được chủ quan khi bị chó, mèo cắn. Ảnh: THIÊN KIM

Sai lầm chết người

BS Trương Hữu Khanh cho biết bệnh dại là bệnh truyền nhiễm do virus dại lây từ động vật có vú sang người thông qua tiếp xúc với vết thương hở, dẫn đến nhiễm trùng não. Trong đó, 99% ca bệnh dại có nguồn lây từ chó nhiễm virus dại. Khi bị chó cắn, nạn nhân có thể bị ủ bệnh từ 9 ngày tới vài năm. Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vị trí cắn, vị trí đường đi của virus dại tấn công lên thần kinh trung ương.

Khác với nhiều bệnh lý khác, bệnh dại hoàn toàn dự phòng được là tránh chó, mèo cắn và phòng bệnh sau khi bị cắn. Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh dại, vì vậy khi virus dại tấn công lên thần kinh trung ương thì nguy cơ tử vong lên tới 100%.

Giới chuyên gia nhận định một trong những nguyên nhân khiến bệnh dại có chiều hướng tăng là do nhận thức của người dân về căn bệnh này còn hạn chế. Thậm chí, nhiều người sau khi bị chó, mèo, thú cưng cào xước, cắn là bôi thuốc, đắp lá xem như phòng và chữa bệnh dại. Phương pháp này là sai lầm, vô dụng nhưng nhiều người thường mắc phải. Bên cạnh đó, có các nguyên nhân khác như việc quản lý đàn chó còn lỏng lẻo, tỉ lệ tiêm vắc-xin dại trên chó thấp…

ThS-BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Viện Pasteur TP HCM, cho biết hầu hết các trường hợp tử vong vì bệnh dại là do người bệnh không đi tiêm vắc-xin phòng ngừa sau khi bị cắn, cào, liếm lên vùng da bị tổn thương. Nhiều người nghĩ chó, mèo đã tiêm phòng rồi thì không sao hoặc theo dõi động vật cắn trước, nếu nó có vấn đề gì mới đến cơ sở y tế để tiêm phòng. Đây là các quan niệm không đúng vì tiêm ngừa dại đặc biệt cần thiết, tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi bị cắn, nhất là những trường hợp bị cắn ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ… Ngoài ra, việc tự ý điều trị bằng thuốc đông y, đi lấy nọc… là những biện pháp sai lầm, nguy hiểm, dẫn đến tử vong bởi bệnh dại không đi qua đường máu mà theo dây thần kinh.

"Những con chó, mèo đã được tiêm ngừa thì cũng không chắc chắn phòng bệnh dại 100% nên những người bị chó, mèo đã tiêm phòng cắn vẫn có nguy cơ mắc bệnh dại. Vì vậy, phải xử lý vết thương (rửa sạch, bôi thuốc sát trùng) và đi tiêm ngừa ngay sau khi bị cắn" - BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn nhấn mạnh. 

Cách xử trí khi bị chó, mèo cắn

Khi bị chó, mèo hoặc súc vật cắn, cần rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Vết thương sau khi rửa bằng nước cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn i-ốt, nếu có. Sau đó, nạn nhân cần được đưa đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.

Những việc không nên làm: lấy nọc; đắp lá, ớt bột, nhựa cây…; làm dập nát vết thương; khâu kín vết thương. Trường hợp bắt buộc phải khâu vết thương thì nên trì hoãn hoặc chỉ nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi. Chỉ khâu vết thương sau khi đã tiêm phòng bế huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương.

Không nên sợ tác dụng phụ của vắc-xin

Tâm lý sợ tác dụng phụ của vắc xin dại cũng là một rào cản khiến người dân ngại đi tiêm phòng sau khi bị chó, mèo cắn. Khác với vắc-xin khác, vắc-xin dại được xem là vắc-xin điều trị. Khi tiêm vắc-xin đúng sẽ không có nguy cơ mắc bệnh dại. Vắc-xin thế hệ mới được sản xuất bằng công nghệ tế bào, bảo đảm an toàn nên người tiêm không phải lo lắng về các tác dụng phụ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo