Kỹ năng sơ cứu không quá phức tạp nhưng thực tế, có tới hơn 50% ca tai nạn không được sơ cứu hay cấp cứu đúng cách khiến bệnh nhân tử vong hoặc tổn thương nặng hơn một cách đáng tiếc.
Làm gì với vết thương ở cổ?
Sau cái chết thương tâm của bé trai 9 tuổi vì bị tôn cứa cổ mới đây, Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) đã hướng dẫn kỹ năng sơ cứu, cầm máu cho vết thương mạch máu và các tai nạn thương tích thường gặp.
Theo bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch BV Bạch Mai, khi xảy ra trường hợp bị rách hay đứt mạch máu tay, cổ thì phải tiến hành sơ cứu cầm máu nhanh nhất để tránh tình trạng chảy máu ồ ạt, cơ thể mất máu quá nhanh. Vì thế, ở khâu sơ cứu tại hiện trường, chỉ cần tìm cách cầm máu rồi sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
“Những vết thương dạng này không phải phẫu thuật phức tạp, chỉ cần mổ cấp cứu 10 phút là có thể nối mạch máu cứu sống nạn nhân. Cơ thể chúng ta có khoảng 4,5 lít máu, mỗi lần tim co bóp ra 50-60 ml máu. Chỉ trong một vài phút, nếu không cầm máu kịp sẽ dẫn đến mất máu cấp. Nếu bị mất ngay một lúc trên 50% thể tích máu thì cơ thể sẽ rơi vào sốc mất máu không hồi phục. Như vậy, ngay cả trường hợp tai nạn xảy ra gần BV, bác sĩ cũng rất khó giữ được mạng sống cho nạn nhân nếu không được sơ cứu ban đầu kịp thời và đúng cách” - bác sĩ Dương Đức Hùng lưu ý.
Theo bác sĩ Dương Đức Hùng, trong trường hợp bị rách, đứt mạch máu tay và cổ, mọi người có thể dùng các vật liệu sơ cứu đơn giản nhất, như: băng gạt, bông, cành cây, bút bi, vải, áo, khăn... Chẳng hạn, ở cánh tay thì dùng băng gạc, nếu không thì có thể dùng vải hoặc khăn (áo) buộc chặt tay, rồi dùng một cành cây hoặc cây bút siết chặt để mạch máu không chảy ra, sau đó chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất...
Khi sơ cứu cho nạn nhân bị thương ở cổ, trước hết cần bình tĩnh lấy một mảnh vải hoặc xé áo ra rồi ép chặt vào vết thương để cầm máu, đồng thời xé một miếng khác làm thành sợi dây để buộc vết thương. Để băng chặt vết thương ở cổ mà không làm nạn nhân nghẹt thở, phải dùng một cành cây nhỏ hoặc chiếc thước kẻ áp vào cổ ở bên không bị thương rồi mới buộc.
“Trong trường hợp nơi bị nạn không tìm được vật dụng nào khác thì dùng chính một tay của nạn nhân giơ lên làm “vật chống” để buộc chặt vết thương và xoắn nút buộc lại bằng chiếc bút hay cành cây. Nạn nhân sau khi được cầm máu mới đưa đến cơ sở y tế để bác sĩ xử lý” - bác sĩ Hùng hướng dẫn.
Sơ cứu đúng, nhiều người sống
Theo khảo sát tại BV Việt Đức (Hà Nội), có tới 50% bệnh nhân được chuyển đến BV trong tình trạng không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách. PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Khoa Khám chữa bệnh BV Việt Đức, cho rằng các nạn nhân bị tai nạn thương tích được đưa đến BV mà chưa sơ cứu hoặc sơ cứu sai cách càng làm tổn thương nặng nề hơn.
Theo PGS Nguyễn Xuân Hùng, trước bất cứ tai nạn nào, người có mặt tại hiện trường phải quan sát xem nạn nhân có thương tích gì không, phán đoán các tổn thương rồi mới đưa ra cách sơ cứu phù hợp. Chẳng hạn, khi bị vật gì nhọn đâm vào cơ thể, nhất là ngực, bụng, tuyệt đối không được rút vật nhọn đó ra vì lúc này nó có tác dụng bịt mạch máu. Nếu rút ra, máu sẽ phun mạnh, bệnh nhân mất máu nhiều, có thể tử vong.
“Gãy xương tứ chi thì không nắn, uốn mà nên băng nẹp cố định vết thương. Trường hợp bị gãy xương sườn, bệnh nhân đau đớn, khó thở. Lúc này, nên đặt bệnh nhân ở tư thế đầu hơi cao để dễ thở hơn, sau đó chuyển đến BV. Thậm chí, với người bị tai nạn giao thông nhưng tỉnh táo, không chảy máu, có thể đứng dậy được thì vẫn cần cho nằm nghỉ để theo dõi nhịp thở” - PGS Nguyễn Xuân Hùng lưu ý.
Điều dưỡng Nguyễn Văn Uy, Khoa Cấp cứu BV Việt Đức, cho biết qua những lần điều tra tại BV, hầu hết những người được hỏi đều không biết phải xử lý thế nào khi gặp phải các trường hợp bị tai nạn giao thông. Từ thực tế cấp cứu những cái chết oan ức, đau lòng do sơ cứu không đúng cách, điều dưỡng Uy lưu ý khi gặp người bị nạn cần chú ý nhất đến phần cổ, vì đây là nơi tập trung nhiều dây thần kinh cũng như mạch máu của cơ thể. Tiếp đó, phần xương sống rất quan trọng và cả các động mạch ở tay, chân cũng phải được kiểm tra, sơ cứu kịp thời. Rất nhiều trường hợp chỉ đơn giản là gãy chân nhưng do nạn nhân không được sơ cứu đúng cách nên cuối cùng buộc phải cắt cả chân do bị hoại tử. Ngoài ra, nhiều trường hợp bị tổn thương nhẹ ở đốt sống cổ nhưng người xung quanh lại bế xốc nạn nhân lên làm đứt tủy sống, dẫn đến tử vong tức thì hoặc bị liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi không thể phục hồi.
PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng nhấn mạnh điều cần thiết là phải phổ cập kiến thức sơ cứu cho người dân, đưa kiến thức sơ cứu tai nạn vào trường học. Đặc biệt, những trường dạy lái xe cần phải dạy cả sơ cứu bệnh nhân vì tài xế là người tiếp xúc nhiều nhất với tai nạn hoặc có khi không may gây ra tai nạn.
Sợ rắc rối, người hảo tâm thành “vô cảm”
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, cho biết nhiều người từng chia sẻ họ rất “ngại” động vào nạn nhân trên đường dù trong lòng rất muốn giúp. Trên thực tế, có rất nhiều “anh hùng” sau khi cứu xong người bị nạn quay lại hiện trường thì bị mất xe, mất đồ đạc, thậm chí còn bị lầm tưởng là người gây tai nạn. Đó là chưa kể các vấn đề khác như công an yêu cầu ở lại hiện trường lấy lời khai... Chỉ vì sợ rắc rối, không ít người hảo tâm đành bấm bụng lờ đi trước tai nạn.
Người sơ cứu phải bình tĩnh
Theo BS-CKI Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, động mạch cảnh là hệ thống động mạch lớn và quan trọng của cơ thể, khó băng ép hơn so với ở tay hay chân. Nạn nhân bị vết thương mạch máu thường có xu hướng ngất xỉu rất sớm do tính chất đột ngột của tai nạn, tình trạng mất máu cấp gây choáng vì huyết áp tụt nhanh nhưng cũng có thể do sự lo lắng, thấy nhiều máu rồi sợ hãi ngất xỉu. Người dân tại hiện trường theo tâm lý chung lại sợ khi thấy máu, không ai dám trợ giúp nên việc sơ cứu trở nên khó khăn.
Trong xử trí phải tuân theo nguyên tắc cơ bản sơ cứu vết thương mạch máu, đó là băng ép có trọng điểm vết thương. Có nhiều cách băng ép nhưng cách đơn giản giúp người sơ cứu dễ làm và dễ nhớ là băng ép choàng qua vùng nách đối diện của nạn nhân.
“Kỹ năng sơ cấp cứu vết thương mạch máu đúng cách không phải là một kỹ năng quá phức tạp. Điều quan trọng là người sơ cấp cứu tại hiện trường phải bình tĩnh, gọi người xung quanh hỗ trợ, ép ngay chỗ đang chảy máu. Sau đó, dùng các vật dụng hiện có tại nơi xảy ra tai nạn băng ép có trọng điểm để cầm máu vết thương trong thời gian sớm nhất, bảo đảm vận chuyển an toàn nạn nhân đến cơ sơ y tế hay BV gần nhất” - bác sĩ Hậu nhấn mạnh.
Nguyễn Thạnh
Bình luận (0)