Thông tin trên được đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ - TB - XH) cho biết tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 vào sáng 29-5.
Cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ)
Đại diện Bộ LĐ-TB-XH cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đời sống và thị trường lao động trong nước có tác động tiêu cực rất lớn. Đợt dịch thứ 4 tác động đến 9,1 triệu người, trong đó, có khoảng 540.000 người mất việc. Khả năng chống chịu để duy trì đời sống khó có thể kéo dài nếu không có những biện pháp tác động mạnh mẽ hơn.
Lực lượng tăng trưởng chính của đất nước là tại các khu công nghiệp và tại khu công nghiệp nay tiềm ẩn nguy cơ cao, khả năng lây nhiễm 2 chiều. Do đó, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các địa phương có đông công nhân như Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM... quan tâm đến quản lý công nhân, giãn cách cách ly đi đôi với duy trì sản xuất kinh doanh. Quản lý công nhân cả ở 2 chiều trong khu chế xuất, khu công nghiệp và cả đi lại bên ngoài.
Theo đại diện Bộ LĐ-TB-XH, để thực hiện phương châm phòng chống dịch bệnh từ xa từ sớm biện pháp căn cơ lâu dài là vắc xin. Do đó, ưu tiên tiêm cho công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Ngoài ra, các địa phương tăng cường kiểm soát nhập cảnh, lao động trái phép.
Đối với hỗ trợ các địa phương, người lao động giảm sau thu nhập đang kiến nghị đề xuất để trình lên Chính phủ.
Thời gian qua, có khoảng 6% trường hợp phải cách ly F1 là trẻ em (khoảng 4.083 trường hợp F0 và F1). Số liệu này có thể sẽ tăng lên khi lượng cách ly tại khu công nghiệp khu chế xuất tăng. Do đó, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các địa phương quan tâm, chăm lo đời sống sinh hoạt của các cháu khi bố mẹ phải thực hiện cách ly.
Bắt đầu từ hôm nay (29-5), Bộ LĐ-TB-XH sẽ đài thọ toàn bộ tiền ăn cho các cháu từ 0-16 tuổi trong thời gian cách ly do dịch Covid-19, đến ngày 31-12. Trước mắt, bộ sẽ hỗ trợ cho Bắc Ninh, Bắc Giang và Điện Biên mỗi tỉnh 1 tỷ đồng.
Cũng tại cuộc họp, đại diện Bộ Công thương cũng kiến nghị, đẩy mạnh tìm kiếm vắc xin, huy động mọi nguồn lực. Đồng thời, đề nghị các địa phương nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo tổ chức ưu tiên tiêu thụ hàng hóa ở thị trường trong nước.
Ngoài ra, các địa phương cần triển khai chiến dịch đưa hàng nông sản, trái cây... tiêu thụ tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Đồng thời, các địa phương tạo điều kiện lưu thông hàng hóa nhất là nông sản.
Đại diện Bộ Công thương cũng kiến nghị, hiện nay đời sống công nhân lao động và các gia đình trong khu cách ly tại một số nhà máy sản xuất đang dừng hoạt động rất khó khăn. Do đó, bộ này cũng đề xuất nên giảm tiền điện đối với các cơ sở cách ly.
Tại cuộc họp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất công tác chăm lo cho người lao động và chia sẻ cùng doanh nghiệp trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Tổng Liên đoàn đã trích mức hỗ trợ cho các trường hợp F0 là 3 triệu đồng, F1 là 1,5 triệu đồng, các F1 là đoàn viên, người lao động đang nuôi con nhỏ, phụ nữ có thai là 500 ngàn đồng.
Ngoài ra, Tổng Liên đoàn cũng đề xuất, hỗ trợ cho công nhân, người lao động đang cách ly được miễn tiền ăn, sinh hoạt, xét nghiệm nhanh...
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung đối tượng công nhân lao động vào danh sách được ưu tiên tiêm vắc xin. Thời gian quan LĐLĐ đã có thư kêu gọi các cơ sở sản xuất kinh doanh mua vắc xin cho người lao động, công nhân.
Bình luận (0)