Hơn 2 tuần gần đây, số lượng trẻ nhỏ mắc các bệnh đường hô hấp tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa nhi và phòng khám nhi ở Hà Nội tăng vọt. Bệnh viện (BV) Nhi trung ương mỗi ngày đón khoảng 5.000 bệnh nhân đến khám.
Nhiều bệnh truyền nhiễm bùng phát cùng lúc
Theo tiến sĩ - bác sĩ Phí Thị Quỳnh Anh - Trưởng Phòng Công tác xã hội, BV Nhi trung ương, trẻ mắc bệnh đường hô hấp gia tăng là bình thường khi giao mùa. Tuy nhiên, có tình trạng gia tăng các ca bệnh COVID-19, Adeno, sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy, cúm A… khiến BV đã đông càng đông hơn. "Cha mẹ đã đưa con đến bệnh viện đều có tâm lý muốn con được nằm viện để yên tâm hơn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phân loại bệnh nhân và chỉ tiếp nhận các bệnh nhân nặng. Do đó, cha mẹ cần nghe theo các chỉ dẫn của bác sĩ để chăm sóc, điều trị cho con" - bác sĩ Quỳnh Anh nhấn mạnh.
Bác sĩ CKII Trần Quỳnh Hương, Trưởng Khoa Hô hấp 2, Bệnh viện Nhi Đồng 2, thăm khám cho bệnh nhi.Ảnh: HẢI YẾN
Tương tự, tại BV Thanh Nhàn, số bệnh nhi khám và nhập viện cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Chăm sóc con tại Khoa Nhi, chị Thu Trang cho biết cậu con trai 3 tuổi vừa đi học mầm non được 2 tháng thì ốm đến 5 lần. Đầu tuần chị cho con khám tại BV Nhi trung ương và được kê thuốc về nhà. Hai ngày sau đó con trai liên tục sốt rất cao, ho nhiều. "Tôi cho con uống thuốc hạ sốt nhưng giảm trong thời gian ngắn, con nôn nhiều, người mệt mỏi, không ăn uống được nên đã đưa con đến BV Thanh Nhàn" - chị Trang nói.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở TP HCM. Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại một số BV trên địa bàn cho thấy có tình trạng quá tải bệnh nhân ở các khoa hô hấp, nhiều BV phải kê thêm giường.
Tại BV Nhi Đồng 2 có 2 khoa hô hấp với hơn 260 giường nhưng đang tiếp nhận điều trị hơn 280 bệnh nhi. Đang ngồi hỗ trợ con phun khí dung, chị N.T.D (ngụ TP HCM), cho biết trước đó con chị có triệu chứng đau cổ, sốt, sau đó bé thở mệt nên đưa đến phòng khám tư thăm khám. Tuy nhiên, do tình trạng bé trở nặng nên phòng khám hỗ trợ chuyển đến BV Nhi Đồng 2. "Tại BV, sau khi thăm khám, bé được chẩn đoán hen suyễn dù trước đó bé không có tiền sử mắc bệnh. Trong gia đình cũng không ai bị hen" - chị D. cho biết.
Tương tự, anh N.V.B (quê Bình Định) nói con anh có tiền sử teo thực quản bẩm sinh, không nuốt được. Để điều trị cho con, anh phải thuê phòng trọ ở TP HCM. Những ngày gần đây, thời tiết thất thường cộng thêm cơ địa yếu khiến con anh phải nhập viện liên tục vì mắc các bệnh liên quan đến hô hấp.
Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cũng cho biết từ đầu tháng 9 đến nay, có khoảng 1.500 - 2.000 trẻ mắc các bệnh hô hấp đến thăm khám. Trong đó, có khoảng 300-350 trẻ phải nhập viện, bệnh hen suyễn chiếm 10% trong số này.
Dễ mắc bệnh đường hô hấp sau COVID-19
Bác sĩ Vũ Thị Mai - Khoa Nhi, BV Thanh Nhàn, cho biết sau COVID-19, bệnh nhi mắc bệnh về hô hấp đông hơn nhưng đặc biệt 1 tháng gần đây, số bệnh nhi khám và nhập viện tăng vọt. Hiện khoa đang điều trị cho 90-120 trẻ, gấp 3 lần so với thông thường. Đáng chú ý, tỉ lệ bệnh nhi nhập viện do viêm đường hô hấp tăng đột biến, chiếm 2/3 tổng số ca nhập viện, thay vì chỉ ở mức 1/2 so với cùng kỳ các năm. Hầu hết bệnh nhi bị viêm đường hô hấp đều dưới 5 tuổi, trong khi nhóm trẻ từ 5-14 tuổi chủ yếu nhập viện do sốt xuất huyết.
Lý giải nguyên nhân số trẻ mắc bệnh về hô hấp tăng cao, bác sĩ Mai cho rằng có thể sau mắc COVID-19, virus gây tổn thương niêm mạc đường hô hấp, không hồi phục dẫn đến tạo cơ hội cho các vi khuẩn, virus khác nên tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn. Bên cạnh đó, trong 2 năm qua, nhiều gia đình trậm trễ trong việc tiêm phòng vắc-xin cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ giảm miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh. "Chúng tôi đang điều trị một số trẻ sơ sinh có tình trạng suy hô hấp nặng. Lứa tuổi này sức miễn dịch của trẻ kém, trẻ nhiễm đồng thời cả virus RSV (virus hợp bào hô hấp) nên thường rất nặng. Thời gian điều trị cho trẻ cũng kéo dài hơn bởi miễn dịch của trẻ năm nay có xu hướng kém hơn mọi năm" - bác sĩ Mai lo ngại.
Giữ ấm cho trẻ, không ăn đồ lạnh
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai, cho biết trẻ em có hệ thống miễn dịch chưa được hoàn thiện và thường không có ý thức phòng bệnh, hay đưa mọi thứ vào miệng… nên có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cao hơn người lớn. Để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ nên tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật; hướng dẫn con rửa tay thường xuyên, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, nghịch bẩn; đi ngủ sớm; hạn chế tiếp xúc với các nguồn lây bệnh truyền nhiễm.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo khi trời lạnh, cha mẹ nên giữ ấm vào buổi tối cho trẻ. Với trẻ dưới 2 tuổi mang vớ chân, giữ ấm mỏ ác, ngực và cả vùng mông. Bên cạnh đó, tiêm ngừa vắc-xin cúm, phế cầu; uống vitamin A đầy đủ. Nếu trẻ nào bệnh thì nên nghỉ học để tránh lây cho trẻ khác.
Các bác sĩ cũng lưu ý khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu như sốt cao từ 3-4 ngày, nôn ói nhiều, hắt hơi, sổ mũi tần suất dày hơn khiến trẻ thở mệt, không ngủ được thì cần đưa đến bệnh viện để được chăm sóc, điều trị. Cần cho trẻ uống nhiều nước, hạ sốt, lau mát, rửa mũi… Đặc biệt, cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu hóa và bổ sung vitamin để tăng cường sức đề kháng.
Lo ngại nhiễm khuẩn chéo
Bác sĩ CKII Trần Quỳnh Hương, Trưởng Khoa Hô hấp 2, BV Nhi Đồng 2 (TP HCM) cho biết khoảng 2-3 tuần nay, trẻ nhập viện vì nhiễm siêu vi tăng đột biến với các bệnh lý hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen suyễn. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất hiện nay là lây nhiễm chéo. Để ngăn ngừa, các bác sĩ sử dụng miếng vải để ngăn cách các giường với nhau, nhất là những phòng có bệnh nhi nặng. BV cũng kiểm soát người chăm sóc trẻ và liên tục sát khuẩn BV.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, để hạn chế tình trạng quá tải và lây nhiễm chéo, cần sàng lọc bệnh kỹ. Những trường hợp nhẹ thì điều trị ngoại trú. Với những trường hợp phải nhập viện thì có khu cách ly hô hấp. BV cũng hướng dẫn người nhà cách chăm sóc trẻ tránh lây cho những thành viên khác trong gia đình.
Bình luận (0)