Bác sĩ (BS) - CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TP HCM - cho biết bệnh nhân hậu Covid-19 nếu kết hợp hài hòa về dinh dưỡng và tập luyện sẽ mau chóng hồi phục sức khỏe.
Bài tập thở 4 thì
TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y học dân tộc TP HCM, cho biết người trên 60 tuổi, có các bệnh nền kèm theo, chưa tiêm vắc-xin đầy đủ... là những trường hợp có nguy cơ cao mắc di chứng hậu Covid-19. Sau khi khỏi Covid-19 nhiều người mắc phải tình trạng hậu Covid-19 với nhiều mức độ khác nhau, ảnh hưởng đến thể chất lẫn tinh thần. Cách tốt nhất để tránh hậu Covid-19 là không nên để mắc bệnh. Nếu mắc bệnh thì cần theo dõi, điều trị sớm. Bởi sau 5 ngày mắc bệnh, virus sẽ tấn công các cơ quan như phổi, tim, gan, thận... gây tổn thương các cơ quan này dẫn đến di chứng hậu Covid-19.
Bác sĩ thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân hậu Covid-19 tại Viện Y dược học dân tộc TP HCM
Theo BS Ngọc Lan, điều trị di chứng hậu Covid-19 rất đa dạng, mỗi người 1 kiểu, không ai giống ai. Có trường hợp bị trầm cảm do gặp biến cố trong quá trình mắc bệnh như chứng kiến người nhà tử vong vì Covid-19, nằm ở khu hồi sức lâu; có những trường hợp bị các biến chứng về hô hấp, tim mạch...
Đa số các trường hợp hậu Covid-19 có vấn đề ở đường hô hấp. Để cải thiện tình trạng này có thể áp dụng bài tập thở 4 thì của BS Nguyễn Văn Hưởng. Đây là phương pháp thở đơn giản nhưng hiệu quả, dễ nhớ, ai cũng có thể thực hiện.
Thì 1, hít vào đều, sâu, tối đa, ngực nở, bụng phình và cứng. Thì 2, giữ hơi, cơ hoành và các cơ lồng ngực đều co thắt tối đa, thanh quản mở, giơ chân dao động rồi để chân xuống. Thì 3, thở ra thoải mái, tự nhiên, không kìm, không thúc. Thì 4, thư giãn hoàn toàn, có cảm giác nặng và ấm. Thời gian của mỗi hơi thở không định trước, mà dựa vào tình trạng sức khỏe của mỗi người. Ban đầu có thể thở khoảng 15 lần một phút, về sau giảm xuống còn 12 lần, 10 lần, 8 lần. "Khi thở đúng kỹ thuật, đủ ôxy thì sẽ không còn hiện tượng ngộp hơi, ngáp, buồn ngủ, nhức đầu nữa" - BS Ngọc Lan cho hay.
Lưu ý khi dùng thực phẩm chức năng
Theo BS Ngọc Diệp, chế độ dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống miễn dịch. Nếu bổ sung các chất dinh dưỡng hợp lý có thể giúp cơ thể mau hồi phục, đồng thời hỗ trợ sức đề kháng tốt hơn. Trong các loại dinh dưỡng, đầu tiên cần phải có là chất đạm (protein) thường có trong các loại thịt như gà, bò, heo. Ngoài ra, chất đạm còn có trong các loại đậu. Nên cân đối nguồn đạm, ăn uống đủ liều (1-1,2 g đạm/kg cân nặng/ngày). Nguồn dinh dưỡng cần thiết thứ 2 là vitamin A và tiền vitamin A có nhiều trong cá, thịt gia súc, gia cầm, gan... Riêng tiền vitamin A sẽ có trong các loại rau xanh như cải, ớt chuông, rau ngót, mùng tơi... Trái cây thì có thể chọn đu đủ, dưa hấu, xoài...
Với người bệnh hậu Covid-19 cần bổ sung vitamin D (trứng, sữa, thịt gia súc, gia cầm...), vitamin C (có nhiều trong các loại trái cây như ổi, mận, bưởi, cam...), kẽm (thủy sản, thịt gà, các loại đậu...). Vai trò của kẽm là hỗ trợ tế bào miễn dịch hoạt động tốt hơn. Đồng thời, tạo lành vết thương khi tham gia quá trình chuyển hóa hấp thu dinh dưỡng.
BS Ngọc Diệp lưu ý khi bổ sung chất dinh dưỡng nên tùy theo tuổi và tình trạng sẽ có khẩu phần ăn khác nhau phù hợp với thói quen ăn uống của từng người. Với trường hợp khó ăn thì nên chia nhỏ bữa ăn, nấu món ăn chín, mềm, dễ tiêu. Riêng trường hợp rối loạn hấp thu, suy dinh dưỡng hoặc bị giảm vị giác nên đi khám để được BS tư vấn, hỗ trợ xây dựng chế độ ăn và bổ sung vitamin. Đặc biệt, không nên tùy ý sử dụng các loại thực phẩm chức năng, mà cần tham khảo ý kiến BS trước khi dùng.
Theo các chuyên gia, bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19 cần đi khám và tham vấn ý kiến của BS để khắc phục di chứng hậu Covid-19. Chẳng hạn việc chữa trị khó thở có thể là bằng các bài tập đơn giản như hít thở sâu, hay các bài tập thiền để giúp phổi hoạt động hiệu quả hơn.
Kết hợp tập thở và thuốc ho để trị tình trạng ho kéo dài. Trị mất trí nhớ, giảm tập trung, mau quên, giúp cho não bộ hoạt động trở lại bằng các kích thích phản xạ lành mạnh như đọc sách, chơi các trò chơi kích thích trí nhớ như đánh cờ, học thêm các môn khác như nấu ăn, làm bánh. Tập vật lý trị liệu để chữa tình trạng đau xương khớp...
Bình luận (0)